Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định tổ chức, ngày 10/11, tại Nam Định.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định. Đồng thời, thông qua hội thảo, những ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ là tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn tiểu sử đồng chí Lê Đức Thọ; từ đó tuyên truyền để cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, học tập và làm theo tấm gương về lòng trung thành với lý tưởng, tinh thần trách nhiệm hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Các tham luận cũng đã khẳng định, truyền thống quê hương, gia đình là những nhân tố tác động hình thành nên nhân cách nhà cách mạng Lê Đức Thọ, đồng thời làm sâu sắc thêm phong cách, đạo đức tấm gương người cộng sản mẫu mực của đồng chí Lê Đức Thọ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1936 - 1945, mặc dù nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam nhưng đồng chí Lê Đức Thọ luôn giữ vững lý tưởng, ý chí kiên cường của người cộng sản. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí kiên trì hoạt động cho Đảng, tham gia lập chi bộ, chi ủy, làm Bí thư Chi bộ nhà tù Hòa Bình; lãnh đạo, giáo dục đảng viên, tù chính trị học tập; bồi dưỡng, kết nạp những đảng viên ưu tú cho Đảng; chỉ đạo, tổ chức giải thoát nhiều cán bộ quan trọng ra khỏi nhà tù. Sau khi được trả tự do, đồng chí Lê Đức Thọ giữ trọng trách Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí đã có nhiều sáng tạo, quyết đoán, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng trong tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thạc sĩ Ngô Xuân Dương - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng đánh giá: Đồng chí Lê Đức Thọ không chỉ là nhà cách mạng, người cộng sản kiên cường mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn và chiến lược khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Tên tuổi đồng chí gắn liền với cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ ở Paris, đưa lại Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong tư duy ngoại giao của đồng chí có dấu ấn và ảnh hưởng của tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh người chiến sĩ cộng sản kiên định, trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc. Điều đó cho thấy khả năng phân tích tổng hợp sắc sảo về thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường của đồng chí khiến cho đối phương luôn bị thuyết phục và ta luôn ở thế chủ động.
Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) trong một gia đình nhà nho yêu nước. Đồng chí được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí tỏ rõ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, giàu tài năng ở nhiều mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực, chính trị, quân sự, ngoại giao... Đồng chí Lê Đức Thọ mất ngày 13/10/1990, tại Hà Nội.