Huyện ủy Hoà Vang (Đà Nẵng) đã biết cách vận dụng một cách hợp lý, khoa học khi gắn các nội dung, hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khi tham gia thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Xây dựng Nông thôn mới Đà Nẵng cho biết: Qua hai năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định. Các cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nhân dân ủng hộ
Huyện ủy Hoà Vang (Đà Nẵng) đã biết cách vận dụng một cách hợp lý, khoa học khi gắn các nội dung, hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khi tham gia thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua đó đã đã dấy lên nhiều phong trào với nhiều mô hình cụ thể. Phong trào làm đường giao thông nông thôn, hàng trăm hộ gia đình ở Hòa Vang đã tự nguyện hiến đất (37.686 m2), đóng góp kinh phí vật liệu. Trong sản xuất, ước tính trên 389.000 triệu đồng (2011 - 2013) đã được đầu tư, góp vốn vào các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinhh tế cao như mô hình trồng hoa, nuôi trồng thuỷ sản, trồng nấm, rau an toàn và chăn nuôi... Điển hình như thôn Sơn Dương, xã Hoà Châu, trong 2 năm, thôn đã huy động được 780 triệu đồng trong việc tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Một nét mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa Vang là tại nhiều đơn vị, địa phương, thực hành tiết kiệm trở thành phong trào, có sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị xã hội. Phong trào giúp nhau vượt khó ở các địa phương, cơ quan, đơn vị với nhiều mô hình hiệu quả và có ý nghĩa nhân văn như Quỹ đỡ đầu cho học sinh nghèo vượt khó hiếu học; Quỹ chắp cánh ước mơ; Hũ gạo đoàn kết, con heo (lợn) tiết kiệm; Thanh niên làm theo lời Bác; Đồng hành cùng phụ nữ nghèo... Từ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; công tác giảm nghèo những năm qua đặc biệt được chú trọng với nhiều hình thức thiết thực hiệu quả như hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để các hộ phát triển mô hình sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề...
Thành phố đầu tư, hỗ trợ
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi trong xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố Ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2013 - 2016. Theo đó, việc đầu tư xây dựng đường giao thông thôn, kênh thủy lợi nội đồng được ngân sách thành phố hỗ trợ vật tư 80%, ngân sách huyện chi 20%, còn lại nhân dân đóng góp tự nguyện nhân công, hiến đất; đối việc kiên cố hóa kênh mương chính, công trình đầu mối, thành phố chi 60%, huyện 40%. Bên cạnh đó, mỗi thôn còn được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa mức 500 triệu đồng, nếu sửa chữa hỗ trợ 150 triệu đồng; đầu tư khu thể thao 30 triệu đồng. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình nông thôn Hòa Vang, tỉnh còn hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh/hộ; vay vốn 10 triệu đồng/hộ xây dựng hầm biogas; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cải tạo đồng ruộng qua việc dồn điền đổi thửa...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, số hộ nghèo trên huyện chỉ chiếm tỷ lệ 10,3%, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đều tăng rõ rệt. Cuối năm 2013, huyện đã có hai xã Hoà Tiến và Hoà Châu đạt 19/19 tiêu chí. Huyện phấn đấu năm 2015, có 11/11 xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Văn Sơn