Đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với đa số phiếu tán thành.
Thời gian còn lại của buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Về sự cần thiết ban hành Luật, đa số ý kiến các đại biểu đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc nâng Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế. Đây cũng là dịp để Quốc hội tiếp tục khẳng định những thành công trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thời gian qua, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và thống nhất không quy định tại luật này các nội dung: việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức; vốn vay ưu đãi và các nhà tài trợ nước ngoài; viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đồng thời đề nghị những nội dung trên sẽ được quy định ở các văn bản pháp luật khác phù hợp hơn.
Nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết việc mở rộng các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế là cần thiết; đồng thời đề nghị cần quy định rõ các hình thức văn bản ký kết và nội dung thỏa thuận quốc tế ở từng cấp cho phù hợp với tính chất, thẩm quyền và khả năng chịu trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan được quy định trong luật.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với đa số phiếu tán thành.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Các đại biểu đã cho ý kiến về tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ và thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp dịch vụ; cơ chế bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và doanh nghiệp dịch vụ; đào tạo, bổ túc nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động…
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là dự án Luật được thảo luận lần đầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình.