Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại hội diễn ra với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, chủ đề Đại hội là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”.
Quan tâm, đổi mới công tác cán bộ
Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu Hậu Giang tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Hậu Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định công tác xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo; quy hoạch cán bộ phải thực sự gắn kết với các khâu khác trong công tác cán bộ như: Nhận xét, đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Định kỳ hàng năm rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện, bổ sung nhân tố mới, nhất là nguồn cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào quy hoạch...
Tỉnh cần gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo lộ trình cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng đối tượng cán bộ, kết hợp hài hòa giữa công tác đào tạo cán bộ với bố trí, sử dụng cán bộ. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác luân chuyển để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn công tác khác nhau, kết hợp giữa luân chuyển xuống với luân chuyển ngang và luân chuyển lên.
Hậu Giang cần thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo quản lý theo phân cấp. Tỉnh kịp thời thẩm định lịch sử chính trị và chính trị hiện nay để quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ theo đúng quy định.
Xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững
Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tỉnh tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, có chính sách quan tâm doanh nghiệp tư nhân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành trong khu vực; chủ động và tích cực trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa và con người Hậu Giang phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở nâng cao năng suất lao động và thu nhập bình quân cho nhân dân.
Tỉnh nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Hậu Giang đề ra các nhiệm vụ đột phá là xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực. Tỉnh chú trọng cải cách hành chính, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Hậu Giang đề ra trong nhiệm kỳ là: Kết nạp 2.000 - 2.500 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Phấn đấu đến năm 2025, số hộ có đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 82% và số tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh hàng năm đạt trên 85%.
Điểm số chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (VIET NAM ICT INDEX) năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu hàng năm, chỉ số PAR INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu; đến năm 2025, chỉ số VIET NAM ICT INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm. GRDP bình quân đầu người là 77 - 80 triệu đồng.
Phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh Hậu Giang đã phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đến nay, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã đạt 16 trong 18 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả nhiệm kỳ gần 43.000 tỷ đồng, đạt trên 153% so với Nghị quyết đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (năm 2020) đạt 1.044 triệu USD, vượt 13,48% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng phát triển nhanh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Hậu Giang là địa phương đi đầu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tất cả các xã đều có trường mầm non, mẫu giáo và 100% cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan, có 3 đơn vị cấp huyện và 32/51 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ giảm nghèo đạt trên 2%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh được cải thiện. Việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực quốc phòng được đảm bảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội...
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Hậu Giang đã chỉ đạo thực hiện toàn diện và đạt những kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước được nâng cao. Công tác chính trị, tư tưởng và đạo đức được chú trọng, tăng cường...
Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém như: tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn còn diễn ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng; có lúc, có thời điểm còn thiếu chủ động quyết liệt, chưa năng động, sáng tạo và ngại đổi mới tư duy trong triển khai nhiệm vụ. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn bị động, nhất là việc nắm các vấn đề về chính trị hiện nay. Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng tuy được quan tâm nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...
Hậu Giang có điểm xuất phát thấp, đi lên từ kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chưa toàn diện (còn 2 chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người, cuối năm 2020 GRDP đạt 49,96 triệu đồng/người/năm, còn thấp so với khu vực và cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Công nghiệp chế biến phát triển chưa có nhiều đột phá. Hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và liên vùng còn yếu kém, chưa đồng bộ. Nền nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được nhiều chuỗi giá trị liên kết. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chưa nhiều, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực của tỉnh còn yếu.