Hà Nội tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp nông thôn mới

Sáng 27/2, tại huyện Chương Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi tiếp xúc với nông dân Thủ đô, đánh giá về tình hình tổ chức, kết quả hoạt động của Hội Nông dân thành phố Hà Nội và phong trào nông dân Thủ đô tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đây là cơ hội để nông dân Thủ đô bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các cấp chính quyền cao nhất của thành phố trong việc hỗ trợ cơ chế chính sách, tín dụng... nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp nông thôn Thủ đô trong giai đoạn mới.

Khó xây dựng thương hiệu nông sản an toàn

Năm 2017, sản xuất nông nghiệp được thành phố tiếp tục quan tâm, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% xuống còn 2,57%; thành phố quan tâm chỉ đạo và thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhận định, trong năm 2017, nông nghiệp Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế như ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, tính cạnh tranh chưa cao; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) khẳng định: Để phát triển nông nghiệp bền vững, phải đầu tư cây, con giống có năng suất, chất lượng cao với tem nhãn cụ thể nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay hầu hết vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết chặt chẽ. Ông Hiền đề nghị thành phố quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản truyền thống, hỗ trợ sản xuất tem nhãn để gắn trách nhiệm người sản xuất, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Với những Hội Nông dân, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu cần duy trì và bảo vệ thương hiệu để người nông dân yên tâm sản xuất lâu dài.

Chung ý kiến với ông Hiền, bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, Hội Nông dân xã Thanh Xuân từ 10 năm qua đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi liên kết. Kết quả cho thấy, đây là phương pháp, hướng đi đúng đắn cho các hộ sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ. Hiện 37,5 ha rau hữu cơ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư đơn hàng.

Tuy nhiên, theo bà Hậu, quá trình sản xuất, chăn nuôi khi bắt đầu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và bảo vệ thương hiệu, dẫn đến chuyện “làm giả ăn thật”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các vùng nuôi trồng, khiến một số nông dân mất niềm tin vào sản xuất và bỏ cuộc. Bà Hậu đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ rõ ràng về vật chất và nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản an toàn, công nghệ cao.

Xây dựng thương hiệu cũng là mối quan tâm của nhiều nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp sạch. Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì và ông Đào Việt Dũng - Hợp tác xã Việt Doanh, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cùng chung nhận định, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó nhưng việc tiêu thụ sản phẩm sau khi đã có thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Ông Dũng cho biết thêm, giá các sản phẩm nông sản hữu cơ thường cao hơn từ 10 - 20% so với các sản phẩm thông thường, thêm vào đó là sự cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, bởi vậy vấn đề tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại một số địa phương còn khó khăn, đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ thương hiệu.

Giải quyết ô nhiễm môi trường

Bày tỏ ý kiến về môi trường sản xuất nông nghiệp, ông Ngô Huy Phan, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) cho biết: Huyện Thanh Trì nằm cạnh sông Tô Lịch và sông Nhuệ, là hai con sông bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư. Nguồn nước này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Ông Phan đề nghị thành phố quan tâm có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết nhu cầu nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phản ánh về tình trạng ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ trên địa bàn sản xuất, ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Đình (huyện Ứng Hòa) đề xuất thành phố xây dựng hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp làng nghề; điều tra tình hình ô nhiễm để phân loại và có giải pháp xử lý phù hợp; quy hoạch làng nghề, khu công nghiệp tách khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp làm tốt công tác kiểm soát nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường; khuyến khích sự vào cuộc và nâng cao nhận thức cộng đồng; có chính sách hỗ trợ, bảo vệ người tố cáo sai phạm quy định về môi trường; công khai hóa thông tin tình hình ô nhiễm nguồn nước trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trả lời ý kiến của nông dân Thủ đô, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố Hà Nội hiện có 10 con sông lớn nhỏ, đều xảy ra tình trạng ô nhiễm. Thành ủy, UBND thành phố rất quan tâm đến tình trạng này. Thành phố đang triển khai các dự án trọng điểm nhằm giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc, trong đó có dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước và chống úng ngập cho các quận phía Tây Hà Nội, dự án nạo vét cải tạo lòng sông Đáy, dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích. Đồng thời, tại các khu, cụm công nghiệp, thành phố cũng đã tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc để quản lý chặt chẽ nguồn nước xả thải trước khi đưa ra môi trường.

Khẳng định sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp được đưa ra trong buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những đóng góp của các hộ nông dân, các cấp Hội Nông dân cùng ý kiến của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ cấu giá sản phẩm chưa đồng bộ dẫn đến không đạt được quy mô kinh tế, hạ giá thành, mở rộng thị trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô phải tập trung tăng cường quy mô sản xuất, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, không chỉ phát triển chuỗi sản xuất mà quan trọng là phải sản xuất đồng bộ, đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm công nghệ cao của thế giới.

Cho rằng, các vấn đề về hạ tầng, vốn, môi trường là bức thiết, tác động trực tiếp đến người sản xuất và đời sống người dân, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố phải cùng vào cuộc để nhanh chóng có biện pháp giải quyết. Đặc biệt, Bí thư Hoàng Trung Hải cũng mong muốn mỗi người dân, mỗi hộ sản xuất nông sản chủ động phối hợp với Hội Nông dân, chính quyền các cấp để tìm hướng phát triển đúng đắn, phù hợp đồng hành xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nguyễn Thắng - Mai Linh (TTXVN)
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm, động viên công nhân lao động
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm, động viên công nhân lao động

Ngày 22/2, nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà và làm việc tại một số doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) và Khu Công nghiệp Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN