Chủ đề hành động của năm 2022 của Tỉnh ủy Hà Nam là: "Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh".
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bảo vệ quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các Quy định về nêu gương; xây dựng Đoàn kết thống nhất trong Đảng; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương kịp thời rà soát, bổ sung Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để rèn luyện cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ, việc tố cáo, khiếu nại ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Hà Nam tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phát huy dân chủ, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; nâng cao chất lượng công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách tư pháp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; tập trung tiêm chủng cho 100% người dân trên địa bàn và trẻ từ 12-18 tuổi; đồng thời, tiêm chủng mũi bổ sung và mũi tăng cường cho nhân dân bảo đảm an toàn, đúng tiến độ; tăng cường xã hội hóa y tế, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe kịp thời cho nhân dân.
Bà Lê Thị Thủy nhấn mạnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp; đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức, dự án Cụm cảng Yên Lệnh, dự án Khu công nghệ cao Hà Nam, các dự án Đô thị sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, có vốn đầu tư lớn hoàn thiện thủ tục, sớm đi vào đầu tư xây dựng. Hà Nam phát triển mạnh mẽ thương mại - dịch vụ - du lịch; khai thác tiềm năng, lợi thế của Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc và các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh trên địa bàn để phát triển du lịch.
Cùng với đó, tỉnh Hà Nam tiếp tục công nghiệp hóa nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, mô hình trong sản xuất nông nghiệp nông sản sạch, gắn với sản xuất hàng hóa; chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tỉnh củng cố nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới bảo đảm tính bền vững; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa; chú trọng các giải pháp nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, chậm giải ngân, kém hiệu quả; quan tâm gia đình chính sách, các hộ nghèo, các trường hợp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa, năm 2021, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả khả quan.
Tỉnh Hà Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 8,85%, đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng Bắc Bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng. Thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt khoảng 13.500 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và tăng 40% so với kế hoạch năm 2021. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ; đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tăng 4 xã so với kế hoạch đề ra; diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh.