Góp ý về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Chiều 20/11, bên lề Kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã trao đổi với báo chí về báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


Về người được lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị chỉ lấy phiếu với người trong cơ quan hành pháp, tư pháp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng là các lãnh đạo cấp sở, ban, ngành ở cấp chính quyền địa phương. Thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, cũng có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định như dự thảo Nghị quyết, lấy 1 lần mỗi kỳ vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Loại ý kiến thứ 2, đề nghị lấy phiếu 2 lần vào năm thứ 2 và năm thứ 4 mỗi nhiệm kỳ. Cũng tương tự, về mức độ thể hiện trên phiếu, có ý kiến đề nghị quy định 3 mức trên phiếu (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Trong khi đó, có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, khi tiếp xúc cử tri, đa số cử tri đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, cần đưa người đứng đầu các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm. Không đồng tình với ý kiến đề nghị một nhiệm kỳ chỉ cần lấy phiếu tín nhiệm một lần, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, lấy phiếu một lần duy nhất không đủ cơ sở giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Lấy phiếu hai lần, so sánh kết quả sẽ thấy được cán bộ đó có tiến bộ hoặc là giữ được tín nhiệm hay không. Theo đại biểu, thời gian hai lần lấy phiếu là vào kỳ họp cuối năm thứ 2 và vào kỳ họp đầu của năm thứ 4 của nhiệm kỳ.


Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh: “Lấy phiếu hai lần mới phát huy hết tác động tích cực của việc làm này vì nếu lần thứ nhất người được lấy phiếu mà bị ở mức tín nhiệm thấp thì có thời gian để vươn lên, khắc phục yếu kém trong công việc. Nếu tín nhiệm đã ở mức cao thì cần làm tốt để giữ được mức đó. Nếu cán bộ sửa chữa khắc phục được tồn tại thì sẽ có lợi cho dân và uy tín của Đảng sẽ được củng cố”. Về mức độ tín nhiệm, đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, chỉ nên quy định hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Để ở 3 mức sẽ khó đánh giá, vì tỷ lệ phần trăm không chênh lệch nhiều.


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) cho rằng, việc lấy phiếu như vừa qua được cử tri hoan nghênh và đánh giá cao, do đó đề nghị cho giữ như trong dự thảo. Theo đại biểu, vừa qua chúng ta đã trải nghiệm qua hai kỳ lấy phiếu tín nhiệm, tính chất của việc lấy phiếu cũng đã rõ, hiệu quả được đánh giá rất cao, nên chọn phương án 5 năm lấy phiếu một lần vào năm thứ 3 nhiệm kỳ là hợp lý. Người được bầu cũng có thời gian để đảm bảo công tác và Quốc hội có thời gian đánh giá. Nếu lấy phiếu 2 lần, thời gian là quá ngắn.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn của báo chí. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Đối với ý kiến còn băn khoăn để 2 hay 3 mức tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm sẽ phân biệt rõ hơn, tạo thuận lợi hơn và xem đây là bước chuẩn bị sang bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu theo 3 mức mang tính đánh giá, sau khi lấy phiếu, nếu trường hợp nào quá 2/3 thì sẽ chuyển sang bỏ phiếu, khi đó sẽ chỉ còn 2 hình thức. “Nếu chỉ lấy hai mức thì cần gì phải lấy phiếu nữa, mà chuyển luôn sang bỏ phiếu”, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh. Trước ý kiến cho rằng chỉ nên lấy phiếu với người trong cơ quan hành pháp, còn không lấy phiếu với người ở cơ quan lập pháp, vì trong Quốc hội tự bỏ phiếu đánh giá nhau là không hợp lý, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là công việc hệ trọng, liên quan đến công tác cán bộ, nhân sự, nên dù là cơ quan lập pháp hay hành pháp đều phải chịu sự đánh giá, để làm cơ sở quy hoạch cán bộ.


Góp ý kiến về việc dự thảo nên bổ sung quy định phải từ chức khi không đủ phiếu tín nhiệm, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh ( Đắk Nông) cho rằng, tín nhiệm thấp thật ra là không tín nhiệm. Quốc hội cần có biện pháp rõ ràng đối với những người mức độ tín nhiệm thấp. “Chúng ta cần xây dựng văn hóa từ chức. Khi cán bộ không đủ năng lực thì phải sử dụng người khác. Điều này là để gắn với trách nhiệm, gắn với sức chiến đấu của từng cán bộ. Phải có quy định để người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được rằng phải có trách nhiệm, nỗ lực cao hơn và làm việc hiệu quả hơn. Khi có quá nửa số tín nhiệm thấp thì cán bộ đó có thể từ chức nếu xét thấy mình không đủ năng lực. Và phải coi điều này là bình thường”, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nêu ý kiến.


Giang Nguyễn

Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh theo Danh sách đã được thông qua 1 ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN