Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình nhấn mạnh, báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội và đại diện cho thành tựu, ý chí, khát vọng phát triển của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau, vì thế cần tiếp tục quan tâm rà soát, điều chỉnh kịp thời, chính xác, chọn lọc phương án phù hợp nhất để đưa vào văn kiện. Trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo chính trị, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các thành viên trong Tiểu ban văn kiện cần nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ nhiều chiều, nhiều kênh khác nhau để văn kiện đảm bảo đúng về hình thức, nội dung rõ ràng, cô đọng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận, đóng góp vào từng nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị. Các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trong Tiểu ban văn kiện phục vụ Đại hội phải nỗ lực để hoàn chỉnh báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XVI theo đúng yêu cầu, tiến độ.
Trên tinh thần phát huy trí tuệ, tập trung dân chủ, các đại biểu đã tâm huyết thảo luận, góp ý nhiều nội dung quan trọng vào dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ thêm về kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự báo tình hình giai đoạn 2020 - 2025, các phương án tăng trưởng kinh tế, các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới và một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu được nêu trong dự thảo...
Đề cập đến các phương án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các đại biểu cho rằng, theo phương án 1, tăng trưởng 7% là hợp lý với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. Để đạt mức tăng trưởng này không khó, tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu tiếp tục bổ sung hoàn thiện nội dung 4 khâu đột phá. Cụ thể là cải thiện về kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung phát triển mạnh cho 3 đô thị động lực gồm: thành phố Cà Mau, Năm Căn và Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn; phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển và đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau có thế mạnh lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu, khai thác thủy hải sản xa bờ, trồng rừng, khai thác cây rừng, nên cần phát huy, nâng cao giá trị về ngành hàng chủ lực, môi trường sinh thái, du lịch, đặc sản dưới tán rừng... Tỉnh cần tập trung thu hút các dự án đầu tư về điện gió, điện mặt trời, khí hóa lỏng... và một số dự án khác để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Một số ý kiến nhấn mạnh, điều quan trọng là phải chủ động trong công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra; đồng thời huy động tốt mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu yêu cầu Ban soạn thảo văn kiện tiếp thu, điều chỉnh theo hướng tinh gọn, cô đọng để nêu bật chủ đề chính của văn kiện. Hội nghị cũng thảo luận, đóng góp giải pháp để ''phá sức ỳ trong nội bộ, trong hệ thống cơ quan đảng, nhà nước'' ở tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Kế hoạch tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tương đương và cấp cơ sở. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp nhằm phát huy dân chủ trong Đảng, các tầng lớp nhân dân, tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của địa phương và của đất nước. Qua đó, tạo sự thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp các cấp ủy Đảng nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân để kịp thời kiến nghị, bổ sung chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch của địa phương.