Giữ 'Liêm' - cái gốc của người cán bộ - Bài cuối: Bịt 'lỗ hổng', loại tiêu cực

Nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung, đặc biệt trong đó là hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi "bất Liêm" trong thừa hành công vụ.

Cơ chế chính sách đầy đủ, chặt chẽ, tiến kịp cùng với sự phát triển của xã hội sẽ lấp đầy những lỗ hổng, những kẽ hở, để công bộc của dân "không dám" và cũng "không thể" làm trái.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 26/7/2019. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó chỉ rõ "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...".

Nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm".

Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, điển hình là việc sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; sửa đổi toàn diện, ban hành  Luật Phòng, chống tham nhũng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Việc xây dựng Luật đã tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu...

Nội dung cốt lõi của Luật Phòng, chống tham nhũng là lấy phòng ngừa tham nhũng là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Đưa pháp luật vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều quy định cụ thể về những hành vi không được làm, cũng như những chế tài nghiêm khắc nếu vi phạm.

Cụ thể, Điều 22, 23 của Nghị định, quy định rõ các lĩnh vực và thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ. Quy định các hình thức xử lý đối với các vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch, chế độ, định mức, tiêu chuẩn...

Theo đó, người thực hiện công vụ, nhiệm vụ vi phạm quy định về công khai, minh bạch thì bị xử lý như sau: Khiển trách đối với người vi phạm quy định về nội dung, hình thức, thời hạn thực hiện việc công khai, cung cấp thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình và vi phạm chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; cảnh cáo đối với người không thực hiện công khai, không tổ chức họp báo, không cung cấp thông tin, không thực hiện việc giải trình, không xây dựng, không công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công khai, minh bạch thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Hóa giải những bức xúc của người dân trước việc những người có chức, có quyền bổ nhiệm người thân giữ chức vụ quan trọng dưới sự quản lý của mình, hay thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý trực tiếp để trục lợi, tạo ra "sân chơi" thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, Nghị định 59 quy định rõ: "Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước".

Cùng với đó, nhiều văn bản trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Quản lý nợ công; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước... và các quy định liên quan đến quản lý tài chính công, đấu thầu... đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc sửa đổi một cách tổng thể các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cuộc chiến không "vùng cấm"

Triển khai đồng bộ, bài bản và quyết liệt, riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên, trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với một tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay.

Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Đây là những dữ liệu khẳng định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quyết liệt xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan công quyền, hay còn gọi là hiện tượng "tham nhũng vặt", ngày 22 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Trên cơ sở vạch rõ những tồn tại, "ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng chỉ rõ 4 giải pháp phải khẩn trương thực hiện.

Đó là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Công điện số 724/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Đề cao tính nêu gương trong công tác này, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng lưu ý phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.

Trong 2 năm qua, việc hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng đã có những bước phát triển khá toàn diện, cơ bản, góp phần quan trọng vào hiệu quả công cuộc phòng, chống tham, nhũng. Việc nỗ lực hoàn thiện thể chế nói chung và thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng, cùng với xây dựng chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng - hành vi bất liêm.

***

Học tập, thấm nhuần, soi rọi vào tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta hôm nay tự uốn nắn, tự chỉnh đốn mình, để thấy "lòng ta trong sáng hơn" mỗi khi nghĩ về Bác, để nhân lên những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống. Giữ Liêm là gốc rễ, là căn nguyên để có được cán bộ tốt.

Cán bộ có tốt thì Đảng ta mới trong sạch vững mạnh để lãnh đạo toàn dân thực hiện mong muốn cuối cùng Bác gửi gắm lại trước lúc đi xa là "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
 
Tự hào thay, lớp con cháu hôm nay đang hiện thực hóa niềm mong mỏi của Người bằng những hành động, việc làm cụ thể. Những kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được nhiều lĩnh vực rất khó và mới mẻ, chế tạo thành công vệ tinh “Made in Vietnam”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ vũ trụ thế giới.

Đó còn là những tấm Huy chương danh giá tại các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học... thế giới; những thành tựu nhiều mặt trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được bạn bè quốc tế ghi nhận; là những thành tích vượt trội đáng tự hào của nền thể thao nước nhà...

Tất cả những quyết tâm, nỗ lực và thành quả ấy đều hướng tới một khát vọng cháy bỏng đưa Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Giữ 'Liêm' - cái gốc của người cán bộ - Bài 4: Trọng dụng người thực tài
Giữ 'Liêm' - cái gốc của người cán bộ - Bài 4: Trọng dụng người thực tài

Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN