Giáo sư Kolotov khẳng định những sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiệu ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra những nền tảng để nâng cao uy tín, tăng cường vị thế của Việt Nam.
Theo ông, với phương pháp đấu tranh chính trị mới, những người cộng sản Việt Nam đã đặt nền móng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giúp tập hợp rộng rãi nhất các tầng lớp quần chúng nhân dân, tiến hành thành công cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên.
Nhà sử học Nga nhắc lại, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, mọi phong trào nổi dậy của người Việt Nam chống xâm lược đều bị thực dân Pháp đàn áp. Cách mạng Việt Nam là một ví dụ cổ vũ dân tộc nhiều nước trên thế giới, trước hết là các dân tộc thuộc địa và thuộc địa kiểu mới vùng lên giải phóng dân tộc. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam cũng như con đường giải phóng dân tộc chính là tấm gương cho các dân tộc nhiều nước trên thế giới.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946, sau đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mỗi bước đi này đều rất khó khăn và để giành thắng lợi, đòi hỏi sức mạnh của toàn dân tộc. Qua những bước đi này, Việt Nam đã thể hiện sức mạnh của mình, đó là phát triển chiến lược và thực hiện nó.
Ông Kolotov cũng lưu ý tới việc Việt Nam đã vượt qua những lệnh cấm vận của Mỹ sau chiến thắng năm 1975. Theo ông, Việt Nam theo đuổi hội nhập với khu vực, khiến cho các biện pháp cấm vận trở nên vô nghĩa. Như vậy, có thể nói đường lối chính sách mà Việt Nam thực hiện đã cho phép bảo vệ các lợi ích của mình trong khi không bị ảnh hưởng bởi sức ép từ bên ngoài, dù đó là sức ép quân sự, kinh tế, ngoại giao hay chính trị. Đây chính là một bài học lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, cả về khía cạnh chiến lược chính trị cũng như quân sự, ngoại giao...
Giáo sư Kolotov nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự linh hoạt, khéo léo khi kịp thời đưa ra đường lối Đổi mới. Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế trong tình cảnh rất khó khăn, bao gồm cả việc Liên Xô tan rã. Khi đó, Việt Nam cần phải tìm ra yếu tố để tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn không thay đổi những nguyên tắc của mình. Nghĩa là thay đổi các điều kiện và chiến lược thực hiện, song không thay đổi mục tiêu của mình, mà mục tiêu trước tiên vẫn là bảo vệ lợi ích dân tộc. Sự thay đổi như vậy, ở Nga gọi là thích nghi, còn ở Việt Nam, đó là câu thành ngữ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và Việt Nam đã làm được điều này.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh nhận định 30 năm Đổi mới thành công đã tạo điều kiện để Việt Nam đạt được những kết quả sơ bộ và xác định đường hướng trong tương lai.
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế cao như hiện nay, và điều này đạt được là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7% và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm.