Giám sát phòng, chống tham nhũng: Bài 1: Những cái khó của cán bộ Mặt trận

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp là rất quan trọng.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong phòng, chống tham nhũng đã được đề cập đến trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước. Điều 85 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc về vấn đề này.

Đoàn công tác Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN

Cụ thể, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; Động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng; Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi ngày.

Theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam thì đối tượng giám sát bao gồm: Hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng, các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp, đại biểu dân cử, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Giám sát được thực hiện dưới ba hình thức là vận động nhân dân giám sát; tham gia giám sát với Quốc hội, hội đồng nhân dân và tổ chức đoàn giám sát.

Theo những cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác mặt trận, hoạt động giám sát phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc thể hiện trên một số lĩnh vực như: Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu; Thực hiện công tác tiếp dân và tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động của Mặt trận trong công tác giám sát phòng, chống tham nhũng còn nhiều khó khăn. Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Hiến pháp đã quy định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực phải giám sát khá hóc búa nên một số nội dung chưa làm được tốt. Trong đó giám sát phòng, chống tham nhũng vẫn chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân được bà An chỉ ra là do muốn giám sát được phải có công cụ cụ thể. "Nhiều cơ quan có công cụ mà còn chưa làm được. Ví dụ yêu cầu phải báo cáo nhưng anh chỉ báo cáo đến mức như vậy thôi, tôi không kiểm tra được số liệu. Ví dụ muốn giám sát tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản thì phải biết quy hoạch thế nào trong khi Mặt trận không có điều kiện đi tận gốc vấn đề", bà An cho hay.

Đoàn giám sát của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khảo sát tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện Luật Khoa học- Công nghệ hồi năm 2015. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cũng theo vị nguyên đại biểu Quốc hội này, mỗi kì họp Quốc hội, MTTQ đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri về vấn đề tham nhũng, tức là đã nắm được nguyện vọng cử tri tương đối sát. Nhưng để cùng với Quốc hội thực hiện nguyện vọng cử tri thì Mặt trận chưa làm được.

Là người từng giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ quận 5, TP Hồ Chí Minh, hiện đang là ủy viên Ủy ban Pháp chế, đại biểu HĐND quận 5, bà Lê Thị Bích Hạnh cho rằng, việc giám sát phòng, chống tham nhũng của MTTQ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, MTTQ có thể tự giám sát hoặc phối hợp với HĐND để giám sát nhưng cách nào thì cũng khó vì vai trò của mặt trận nhất là cấp xã, phường còn mờ nhạt, chưa có tiếng nói. 

Trong khi đó, để có thể thực hiện vai trò giám sát ở bất cứ lĩnh vực nào thì yêu cầu cán bộ đó phải am hiểu lĩnh vực đó. Chẳng hạn, muốn giám sát được các công trình giao thông công cộng, làm đường xá, hạ tầng... có xảy ra tham nhũng không thì phải hiểu sâu về các vấn đề đó. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm làm việc của mình, bà Lê Thị Bích Hạnh cho biết, có thực tế là, "đồng chí nào làm chán chán thì đẩy sang làm mặt trận, đoàn thể" nên để thực hiện được nhiệm vụ này không hề dễ dàng.

"Nếu cán bộ MTTQ không nâng trình độ của mình thì việc giám sát chỉ là hỏi để cho biết thông tin chứ không phải hỏi để chất vấn", bà Hạnh khẳng định.

Theo một cán bộ đại diện Ủy ban MTTQ cấp xã trên địa bàn Hà Nội, một nguyên nhân nữa khiến việc giám sát phòng, chống tham nhũng của cán bộ mặt trận thêm phần khó là còn có tình trạng nể nang, "vuốt mặt nể mũi" bởi đôi khi đối tượng giám sát lại là... cấp trên.

Bên cạnh đó, việc giám sát phòng, chống tham nhũng của MTTQ chưa đạt hiệu quả cao còn do công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng chưa thực sự được coi trọng nên chưa lôi cuốn được tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Nhận thức của một số cán bộ Mặt trận về nhiệm vụ này chưa cao, cho rằng đây là nhiệm vụ của Đảng, chính quyền. Mặt trận chưa lên tiếng hoặc có lên tiếng, kiến nghị cũng không được chính quyền xem xét nghiêm túc. Chưa có chế tài về việc thực hiện của chính quyền đối với các kiến nghị của Mặt trận sau khi giám sát.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
 Năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giám sát 5 lĩnh vực
Năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giám sát 5 lĩnh vực

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị giao ban công tác tuyên truyền giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các đoàn thể chính trị - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN