Xóa đăng ký thường trú, tạm trú
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung quy định về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài” (điểm d khoản 1 Điều 25); một số ý kiến không tán thành quy định này vì cho rằng sẽ dẫn đến việc công dân không có nơi thường trú, ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các quyền và các thủ tục hành chính có liên quan.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thuật ngữ “xóa đăng ký thường trú” đã được quy định trong Luật hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình tiếp tục quy định về xóa đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, khi thực hiện phương thức quản lý cư trú mới thông qua cơ sở dữ liệu thì việc xóa đăng ký thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu nói trên.
Như vậy, việc xoá đăng ký thường trú nhằm ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng. Trường hợp công dân đã vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên nhưng không đăng ký cư trú ở nơi ở khác và cũng không khai báo tạm vắng thì không thể tiếp tục ghi nhận nơi đã đăng ký là nơi thường trú của người này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, tránh tình trạng cư trú ảo, đồng thời cũng tạo áp lực để người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về cư trú.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định này như dự thảo Luật. Về ý kiến lo ngại việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và thủ tục hành chính của người dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc bảo đảm quyền công dân phải gắn liền với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của công dân. Do đó, để giữ đăng ký thường trú thì người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn nội dung của việc xóa đăng ký thường trú, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ quan thực hiện việc xóa đăng ký thường trú phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú (khoản 2 Điều 25).
Nội dung tương tự cũng được chỉnh lý đối với quy định về xóa đăng ký tạm trú (Điều 30).
Tại Phiên họp, làm rõ thêm một số ý kiến còn có ý kiến khác về Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng: Việc xóa đăng ký thường trú, tạm trú với công dân vắng mặt ở nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng, Ban soạn thảo quyết định giữ nguyên dự thảo trình như ý kiến đa số đại biểu Quốc hội. Việc xóa này để nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú, giúp chính quyền địa phương các cấp có thể có chính sách phát triển kinh tế sát với nhu cầu của người dân trong từng địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý với đối tượng thụ hưởng giải pháp.
Việc xóa này cũng không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin công dân trên cơ sở dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu về cư trú có thông tin của công dân vẫn được lưu trữ, quản lý sử dụng khai thác sử dụng bình thường. Trên thực tế, nếu thực hiện biện pháp này thì số người xóa tên thường trú, tạm trú không nhiều.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Theo số liệu thực tế của ngành Công an, qua rà soát, số dân vắng mặt ở nơi thường trú từ 12 tháng liên tục hiện nay có khoảng 689.000 hộ, với 3,4 triệu nhân khẩu. Theo thống kê, trong số này cơ quan quản lý nắm được có khoảng 1,2 triệu nhân khẩu chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố, địa phương.
Thời hạn thi hành Luật dự kiến từ 1/7/2021
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới; có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng: Việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đổi mới phương thức quản lý này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng để phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này có thể được thực hiện thì cần phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện cơ bản: Một là, phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Hai là tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan Công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021 là thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật thì vẫn còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện nói trên bởi đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu; việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho Công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế...
Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung công việc như trong kế hoạch đã đề ra và nội dung đã cam kết, báo cáo với Quốc hội nhằm bảo đảm để Luật có thể có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Trường hợp không thể hoàn thành theo thời gian nói trên, thì đề nghị Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này. Nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu là xác đáng. Theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành. Do đó, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025 - là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện...
Trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, ở những nơi đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này (Điều 40 của dự thảo Luật).
Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới và Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã rà soát, tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung khác trong dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã thể hiện cụ thể trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cùng dự thảo Luật xin được gửi kèm theo Báo cáo này.
Về thời điểm Luật có hiệu lực và quy định chuyển tiếp tại Điều 40 theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình ra để hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng tất cả bước đi, lộ trình, các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện và có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Tại Phiên họp này, Bộ Công an cũng đề nghị Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết thống nhất như vậy và mong muốn các cơ quan phối hợp.
“Chúng tôi là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật thấy rằng hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện thời gian thực hiện Luật từ 1/7/2021. Vì bây giờ vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm và cho rằng đây là sự thay đổi rất căn bản trong việc cải cách thủ tục hành chính là mong muốn của nhân dân và công dân.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay, các cơ quan có liên quan rất nỗ lực thực hiện việc để Luật Cư trú sớm có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 07 về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, nhu cầu khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành khác, để khi thực hiện phối hợp với Bộ Công an tránh đầu tư trùng lắp, lãng phí.