Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Mặc dù phát triển kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt khá. Năm 2021, thu ngân sách đạt gần 17.000 tỷ đồng (thu nội địa 9.307 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 7.599 tỷ đồng), cao nhất từ trước đến nay, vượt 63% so với dự toán Trung ương giao; nửa đầu năm 2022, đạt gần 11.000 tỷ đồng (thu nội địa 4.900 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 6.100 tỷ đồng) đạt gần 76% dự toán Trung ương giao, dự kiến năm nay sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh tập trung chống dịch, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; gắn với công tác quy hoạch, đáp ứng cơ bản việc xây dựng nguồn cán bộ, tạo thuận lợi cho công tác sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quan tâm, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Trường Chính trị Trần Phú thực hiện Đề án xây dựng Trường đạt chuẩn, trong đó quan tâm: Hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để chuẩn hóa, nâng cao năng lực đội ngũ viên chức Trường Chính trị của tỉnh theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tạo điều kiện cho giảng viên Trường Chính trị Trần Phú và các trung tâm chính trị cấp huyện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quan tâm, tạo điều kiện cho mở các lớp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại tỉnh cũng như các lớp dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các lớp cập nhật kiến thức; sớm ban hành khung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao nhiều cách làm hay linh hoạt, sáng tạo của tỉnh Hà Tĩnh, trong việc xây dựng Nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên để có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” thì đòi hỏi phải làm tốt công tác đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng nội dung, chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng của công tác nghiên cứu. Nếu chúng ta không đảm bảo chất lượng thì cho dù đạt trường Chính trị chuẩn thì vẫn không đạt yêu cầu,...
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Trường Chính trị Trần Phú trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải chuẩn hóa tất cả các khâu: từ chương trình đào tạo cao cấp, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, phương pháp giảng dạy tích cực, kiến thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo án...