Đổi mới về thể chế quản lý ngân sách

Chiều 25/11, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu chung quan điểm cần sửa đổi toàn diện Luật ngân sách nhà nước hiện hành nhằm đổi mới về thể chế quản lý ngân sách, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, góp phần khắc phục những tồn tại trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.


Thu ngân sách phải phản ánh đúng số thực thu


Các đại biểu cho rằng, qua 10 năm thực hiện, Luật ngân sách nhà nước đã phát huy được những mặt tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; từng bước tăng cường tính công khai, củng cố kỷ luật tài chính, tăng cường tích lũy, sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thiết phải sửa đổi.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) là bước tiến hoàn thiện thể chế và cụ thể hóa Hiến pháp. Đại biểu đánh giá cao những nội dung mới của dự thảo Luật, nhất là việc bổ sung nguyên tắc trong quản lý ngân sách nhà nước, việc phân cấp gắn với quyền hạn, trách nhiệm nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, bảo đảm việc nộp ngân sách nhà nước phải góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.


Về phạm vi thu ngân sách, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng các khoản phí, lệ phí là khoản thu của ngân sách nhà nước, tuy nhiên, trong thực tế triển khai cơ chế quản lý, sử dụng, hạch toán, quyết toán ngân sách, một số cơ quan được để lại một tỷ lệ trên số thu lệ phí để chi, ngoài phần đã bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước , dẫn đến mất công bằng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý hiện nay chủ yếu dưới hình thức "ghi thu, ghi chi", tức là cho đơn vị thu giữ lại để chi, sau đó mới phản ánh vào ngân sách nhà nước và việc phản ánh này đôi khi cũng không đầy đủ, kịp thời. Cách quản lý như trên, vừa không bảo đảm tuân thủ quy định của Luật, vừa không thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự hạch toán và nâng cao chất lượng dịch vụ công, không khuyến khích quá trình xã hội hóa nhằm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước theo tinh thần Kết luận số 37-KL/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.


Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Tuy nhiên, đại biểu Lê Đắc Lâm nhìn nhận, nếu đưa toàn bộ số thu phí và lệ phí vào ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn trong điều hành ngân sách. Đại biểu đề nghị phí, lệ phí do cơ quan hành chính thu nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, còn phí thực hiện nhiệm vụ công của các cơ quan này sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo theo đúng định mức chi ngân sách. Phí, lệ phí của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thu, được xem là khoản thu của đơn vị được nhà nước giao quản lý.


Nhiều ý kiến đề nghị các khoản thu chi ngân sách cần bao quát hết các khoản phí, lệ phí. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) tán thành với quy định thu ngân sách phải phản ánh đúng số thực thu, thu từ sổ xố kiến thiết, thu tiền sử dụng đất phải hạch toán vào thu cân đối ngân sách nhà nước. Với lệ phí là thu của nhà nước phải đưa vào khoản thu của ngân sách. Đối với phí cần phân thành hai loại, phí nào do nhà nước đầu tư, cơ quan nhà nước đảm nhận thì đưa vào thu ngân sách nhà nước và chi cho bộ máy thực hiện lĩnh vực này để hạch toán chi ngân sách đúng với thực tế. Đối với một số khoản phí phản ánh giá dịch vụ không đưa vào ngân sách của Nhà nước. Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), cần minh bạch với phí, lệ phí là ngân sách, không ghép phí và lệ phí vào một phạm trù.


Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định ngân sách tại 2 kỳ họp, kỳ họp giữa năm Quốc hội quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu, chi, các định hướng ưu tiên trong một số ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó Chính phủ thực hiện, báo cáo ở kỳ cuối năm để Quốc hội xem xét quyết định. Ông cũng đề nghị ban hành Luật ngân sách thường niên thay cho nghị quyết ngân sách hàng năm để tăng cường kỷ luật hành chính. Còn đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội vẫn thông qua ngân sách hàng năm là nghị quyết nhưng làm hai bước, bước một vào giữa năm Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào những chỉ tiêu và cân đối lớn; bước hai, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương theo số liệu chi tiết cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực.


Băn khoăn về các khoản vay nước ngoài, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng các khoản Chính phủ bảo lãnh vay chưa được Quốc hội kiểm soát ngay từ đầu, chưa kiểm soát một cách tổng thể, dự thảo Luật cần quy định Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát các khoản vay hoặc các khoản lãi. Nói về trách nhiệm công khai và giải trình các khoản thu chi ngân sách, đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định về nội dung công khai, công khai phải kèm báo cáo thuyết minh. Hình thức công khai quy định bắt buộc trên trang thông tin điện tử, điều này sẽ giúp cho giám sát của người dân được tốt hơn, không áp dụng cơ chế báo cáo mật, các thông tin mật chỉ được áp dụng cho các báo cáo quốc phòng và an ninh. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) với quan điểm cần công khai để người dân và cử tri biết các khoản thuế mà họ đã đóng góp được sử dụng ra sao, tạo hành lang để kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, phải lựa chọn những vấn đề nội dung người dân quan tâm để công khai, tránh rườm rà.


Đa số các đại biểu cũng không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau (kể cả các khoản tạm ứng của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới), chỉ cho phép ứng trước vốn và phải hoàn trả trong năm ngân sách để bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước thực tế phát sinh trong năm. Nói như đại biểu Bùi Đức Thụ, việc cho phép ứng dự toán năm sau dẫn đến quyết định của Quốc hội về tổng thu, tổng chi ngân sách sẽ không còn ý nghĩa, vì Hiến pháp đã quy định mọi khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán.


Thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)


Trước đó, với 77,46% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) với 13 Chương, 183 Điều. Luật quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ, điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch và đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Luật cũng quy định cụ thể đối tượng được thuê nhà ở công vụ, trong đó, ngoài đối tượng cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh; các đối tượng còn lại như c án bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, giáo viên… được điều động theo yêu cầu công tác chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực khác nhau được thuê nhà ở công vụ.


Thông qua Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), 82,7% đại biểu Quốc hội đã tán thành với các quy định tại 6 Chương 82 Điều. Luật quy định bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.


Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nh ượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.


Chu Thanh Vân

Quốc hội thảo luận dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi)

Sáng 25/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN