Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình đã báo cáo Đoàn công tác, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt công tác cán bộ đã được chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch trong tất cả các khâu. Vai trò kiểm tra giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được phát huy, góp phần hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Công tác kiểm tra, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ. Chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước được nâng lên. Kết quả phát hiện, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quản lý kinh tế - xã hội, nhất là ban hành cơ chế phòng ngừa tham nhũng và phòng ngừa vi phạm, sai phạm về kinh tế một cách toàn diện, sâu rộng. Sớm ban hành Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập và các văn bản hướng dẫn thi hành để kịp thời thực hiện những nội dung mới của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Thường xuyên đào tạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng của các ngành, địa phương trong đó cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức trong các lĩnh vực tài chính, tín dụng ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý kinh tế...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính ghi nhận tỉnh Thái Bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ các mục tiêu đề ra về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng năm 2019 và bốn năm qua. Về công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, tỉnh Thái Bình đã đạt được thành tích bước đầu quan trọng cả về phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm.
Tuy vậy, đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho rằng, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở tỉnh Thái Bình chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức thực hiện giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa được như mong muốn, chưa đồng đều, nhất là các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm. Việc tự kiểm tra trong nội bộ, việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu và tham nhũng vặt vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian tới, Tỉnh ủy Thái Bình cần tăng cường công tác nhận thức về nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, đe dọa tồn vong của chế độ, dân tộc, đất nước, đe dọa lòng tin của nhân dân; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, ngập ngừng, chần chừ, chờ đợi, mà phải tích cực, chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống tham nhũng. Quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương III khóa X và Kết luận số 10 của Bộ Chính trị, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về phòng, chống tham nhũng. Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu và huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tập trung rà soát góp phần hoàn thiện thể chế trong đó có các quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước xuất phát từ cơ sở, thực tiễn; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục bằng được tình trạng tham nhũng vặt. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn chặt với công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tăng cường hơn nữa và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan chức năng; chuẩn bị thật tốt công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.
* Cùng ngày, đồng chí Phạm Minh Chính đã đến dự chương trình trao tặng quà "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại chương trình, đồng chí Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình trao 150 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng và phần quà cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam thuộc các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Đông Hưng và thành phố Thái Bình.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Minh Chính đã ghi nhận sự đóng góp của tỉnh Thái Bình, của cá nhân những người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đối với các cuộc kháng chiến. Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ sự đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, các gia đình chính sách, gia đình có công, nạn nhân chất độc da cam trong các cuộc kháng chiến... Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục có những hoạt động thiết thực chăm lo, hỗ trợ về vật chất, tinh thần tốt hơn nữa đối với các đối tượng chính sách, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.