Đỉnh cao của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam

Ngày 30/4/1975, Ngày đại thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cũng là Ngày Toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần kỳ của dân tộc ta.

Thắng lợi vĩ đại này là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta đã tổ chức và phát huy một cách tuyệt vời sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, vì thế đã đánh bại sức mạnh của cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù với qui mô lớn. Trong cuộc đấu tranh này, Mỹ đã huy động tối đa trí tuệ về quân sự và ngoại giao của chủ nghĩa đế quốc, từ Thống tướng Tay-lo, người phát minh ra chiến lược “phản ứng linh hoạt” đến H. Kít-sinh-gơ, nhà ngoại giao sừng sỏ, cùng các chuyên gia quân sự hàng đầu nước Anh là Tôm-sơn và Lên-đên (những tác giả của học thuyết chống nổi dậy)… Về phía ta, hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao đã thể hiện một tầm cao mới về trí tuệ Việt Nam, vượt lên trên những tính toán của đối phương, lần lượt làm thất bại các chiến lược quân sự, các thủ thuật ngoại giao của đế quốc Mỹ.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hoá phục vụ chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.  Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN



Cuộc đồng khởi năm 1960 ở miền Nam (xuất phát từ Bến Tre) là một sáng tạo về phương pháp cách mạng trong tình thế Mỹ - Diệm đã tàn sát khốc liệt cơ sở cách mạng. Đảng đã huy động sức mạnh nổi dậy đồng loạt của quần chúng ở nhiều vùng quanh các thành phố, làm sụp đổ những mảng lớn của chính quyền Sài Gòn ở thôn ấp, xã. Phong trào cách mạng đã phát triển thành chiến tranh cách mạng.

Quân và dân miền Nam đã anh dũng đánh thắng cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc và tay sai, tiếp đó mở cuộc Tiến công chiến lược năm 1972. Cũng trong năm ấy, hiệp đồng nhịp nhàng với đồng bào và chiến sĩ miền Nam, quân và dân miền Bắc đã kiên cường đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, với trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Những chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi đến ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam buộc Mỹ rút hết quân, còn quân ta vẫn ở nguyên tại chỗ. Trí tuệ Việt Nam tỏa sáng cả trên mặt trận ngoại giao, vượt lên sự tính toán của Mỹ cùng với thế lực bên ngoài “móc ngoặc” với Mỹ, không để cho ai lợi dụng “chơi con bài Việt Nam”.

Từ sau năm 1973, quân Mỹ đã rút hết, so sánh lực lượng giữa ta và đối phương trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã có thay đổi căn bản về chất. Thời cơ chiến lược để hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất Tổ quốc đã mở ra. Song thời cơ đó cũng có thể mất đi nếu ta không tỉnh táo xem xét chiến lược của các nước lớn đối với Đông Dương và Đông Nam Á, sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Với nhãn quan toàn cầu, với tầm nhìn thấu suốt sự biến đổi đang diễn ra ở khu vực, Đảng đã sáng tạo và nắm bắt thời cơ lịch sử, kịp thời hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Từ đầu năm 1974, ta đã có kế hoạch chiến lược 1975 - 1976, nhưng từ sau chiến thắng Phước Long, ta đã quyết tâm nắm bắt thời cơ giải phóng miền Nam sớm hơn kế hoạch cũ.
Ban lãnh đạo tối cao của Đảng đã xác định mở đầu chiến dịch Tây Nguyên bằng trận đánh lớn Buôn Mê Thuột, để tạo ra thế và lực mới, sức mạnh mới, thúc đẩy nhanh sự phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau chiến thắng lớn Buôn Ma Thuột, ngày 20/3/1975, Bộ Chính trị đã quyết định ngay việc giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn trước mùa mưa. Quân ta từ Tây Nguyên đánh xuống Nha Trang, chia cắt địch về chiến lược, không cho chúng co cụm về Sài Gòn - Chợ Lớn. Cùng với thắng lợi giòn giã ở Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương... quân ta tập trung lực lượng bằng 5 quân đoàn, với lối đánh thần tốc tiến công trong hành tiến, với các binh đoàn cơ giới thọc sâu theo 5 hướng vào các mục tiêu xung yếu nhất ở Sài Gòn, làm cho kẻ địch không kịp trở tay, không kịp tàn phá thành phố. Chính quyền ngụy và quân đội tay sai sụp đổ tan tành.

Ngày 30/4/1975, tướng Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam toàn thắng, trước sự "chưng hửng" của các thế lực phản động quốc tế. Nếu như trí tuệ của Đảng ta không sáng suốt trước sức ép từ bên ngoài, hoặc không chủ động và nắm bắt thời cơ, không quyết đoán, táo bạo thì sẽ bỏ lỡ thời cơ lịch sử "ngàn năm có một" để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ở những thời điểm gay cấn nhất, trí tuệ Việt Nam đã tỏa sáng, dẫn đến thắng lợi rực rỡ.

Trí tuệ Việt Nam thể hiện tập trung trước hết vào các vấn đề chiến lược và tạo ra sức mạnh tổng hợp, về quan điểm mới so sánh lực lượng trong chiến tranh, về thời cơ chiến lược (cả chính trị và quân sự), về nghệ thuật của chiến tranh cách mạng, đã lần lượt làm thất bại 4 chiến lược của đế quốc Mỹ; kết hợp tài tình đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, đẩy lùi các khuynh hướng sai trái trong phong trào cách mạng thế giới. Trong cuộc cọ sát, đấu trí kéo dài 21 năm với tên trùm phản động quốc tế, đất nước ta đã vươn tới tầm cao trí tuệ mới.

Việt Nam đã thừa kế và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, để vươn tới tầm vóc của thời đại, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đảng ta đã phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc kết hợp tinh hoa văn hóa của đất nước, tạo ra được những giá trị văn hóa mới: Không có gì quí hơn độc lập tự do, thể hiện phẩm chất chính trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, với học thuyết quân sự và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng.

Lương Sơn

Bộ đội Tăng Thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ
Bộ đội Tăng Thiết giáp trong kháng chiến chống Mỹ

Với quyết tâm và ý chí chiến đấu cao, vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo, dũng cảm, kiên cường bộ đội Tăng Thiết giáp tạo nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN