Đại tướng chỉ đi vào giấc ngủ...

Ngày thứ tư ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu mở cửa đón nhân dân vào viếng Đại tướng, dòng người vẫn nối dài, thậm chí là nối dài hơn những ngày qua. Có những lúc, đoạn đường chỉ 30 m đã mất tới 45 phút... Nhưng không vì thế mà có một ai bước ra khỏi hàng.


Những người lính của Người


Một tay gạt những giọt mồ hôi dưới cái nắng hanh hao của Hà Nội, một tay trân trọng nâng niu bức ảnh kỷ niệm chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại vườn hoa phong lan trong nhà của Đại tướng, ông Huỳnh Ngọc Dũng - nguyên Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn, năm nay 73 tuổi, cho biết: Ông đã xếp hàng ở đây từ 4 giờ 30 sáng chờ đến lượt. Sau khoảng 6 giờ chờ đợi, ông đã được thỏa tâm nguyện.

 

Dòng người chờ đến lượt được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Điện Biên Phủ. An Đăng – TTXVN


Ông Dũng nghẹn ngào kể: Khi Binh đoàn Trường Sơn gửi tặng Đại tướng những giỏ hoa phong lan của Việt Nam, như một món quà cho những phút nghỉ ngơi của Đại tướng sau giờ làm việc, Bộ Lâm Nghiệp (lúc đó) đã giao cho Lâm trường Sóc Sơn quản lý và chăm sóc vườn hoa phong lan. Ông Dũng khi đó là Giám đốc lâm trường đã cùng một vài anh em đến ở tại căn nhà 30 Hoàng Diệu để chăm sóc vườn hoa trong 6 tháng. Trong thời gian này, ông Dũng đã được Đại tướng coi như người nhà và đã được cùng ăn cơm với Đại tướng.


Một ấn tượng không thể quên của ông Dũng với Đại tướng là khi biết Lâm trường Sóc Sơn là đơn vị đầu tiên trong cả nước làm nấm xuất khẩu, Người đã đến thăm Lâm trường. “Một vị Đại tướng nhưng không ngại ngần xắn quần móng lợn vào cùng trồng nấm với anh em và ân cần hỏi thăm từng người. Một Đại tướng rất đỗi bình dị và gần gũi”, ông Dũng chia sẻ. Nói đến đây, ông không kìm được những giọt nước mắt tiếc thương.


Trong đoàn người xếp hàng vào viếng Đại tướng, có rất nhiều những người lính ở mọi miền đất nước. Đoàn Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng có mặt tại đường Hoàng Diệu từ 5 giờ sáng. Vượt hơn 100 km đến đây, có những người đã gần 90 tuổi, sức yếu, nhưng vẫn tha thiết được viếng Đại tướng. “Chúng tôi là những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, thành cổ Quảng Trị… Đại tướng là thần tượng, là người thầy của chúng tôi. Với chúng tôi, Đại tướng chỉ đi vào giấc ngủ mà thôi”, ông Nguyễn Văn Việt, một cựu chiến binh trong đoàn, cho biết.


Còn ông Đàm Phi Long (Hoài Đức, Hà Nội), một người lính hải quân đã có lần được gặp và bắt tay Đại tướng khi Đại tướng đến thăm đơn vị ông, chia sẻ: “Từng là một người lính, tôi coi Đại tướng như một huyền thoại, một anh hùng dân tộc.


Người thầy vĩ đại


Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ghi dấu trong ký ức người dân Việt Nam với tư cách là một nhà giáo dục, một người thầy mẫu mực và tận tụy, luôn tâm huyết với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Trường tiểu học Thăng Long, (Hà Nội), trước có tên trường tư thục Thăng Long, là ngôi trường mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đứng trên bục giảng. Là một cựu học sinh trường Thăng Long, từng được học thầy Võ Nguyên Giáp, ông Hoàng Phát Thiền, hồi tưởng: “Tất cả học trò chúng tôi đều yêu mến thầy Giáp, người thầy mẫu mực và gần gũi với học sinh. Thầy luôn truyền cho chúng tôi cảm hứng, yêu thích và say mê học tập và có những quan điểm đổi mới mà đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị”.


Từ năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, phụ trách khoa học - kỹ thuật, và giáo dục. Trên cương vị này, Đại tướng có nhiều đóng góp tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. GS Trần Xuân Nhĩ , Phó Chủ tịch Hội khuyến học, bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng là người đề xuất thành lập Hội khuyến học Việt Nam. Định hướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mỗi gia đình có một hội viên, gia đình nào cũng có học sinh đi học. Không chỉ thế, khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đã quyết định thời đó phải hướng nghiệp cho học sinh, học đi đôi với hành, chủ trương phát triển toàn diện con người, xã hội học tập, học tập suốt đời và xây dựng nên hệ thống các trường giáo dục thường xuyên hiện nay.… Nhiều quan điểm về đổi mới giáo dục của Đại tướng còn nguyên vẹn ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, với đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của Bộ GD - ĐT”.


Nam Hoàng - Thu Trang

Nhớ lần Đại tướng thăm trận địa tên lửa
Nhớ lần Đại tướng thăm trận địa tên lửa

Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cả khu tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng không Không quân nơi tôi đang sinh sống, ai cũng bàng hoàng, xúc động. Riêng đối với tôi, trong niềm thương tiếc vô hạn, có biết bao kỷ niệm lần tôi đến gặp ông...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN