Cử tri tin tưởng vào những lá phiếu công tâm của đại biểu Quốc hội

Sáng nay 25/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường trong đó có một nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, đó là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nhiều người dân tỏ ý đồng tình.

 

Chú thích ảnh
Ngày 24/10/2018, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ông Trần Quốc Khải, cử tri xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho rằng: Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Cử tri Trần Quốc Khải cho rằng, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần khẳng định được uy tín và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của những đại biểu được tín nhiệm. Những đại biểu có tín nhiệm thấp cần phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách.

“Vậy nên việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này sẽ giúp Quốc hội có đánh giá, nhận xét về năng lực điều hành, quản lý ngành của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành mình đang phụ trách. Từ đó Quốc hội sẽ có nhìn nhận khách quan các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ tới nay như thế nào”, ông Trần Quốc Khải nêu ý kiến.

Đồng quan điểm này, cử tri Nguyễn Thành ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

“Tôi thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều người khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao”, ông Nguyễn Thành ghi nhận.

Ông Thành cũng cho rằng, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ hiểu rõ cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân.

Cử tri Lê Thanh Tùng, một cựu chiến binh ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, ông thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội và biết rằng, đây là lần thứ ba hoạt động này được thực hiện ở nghị trường. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm mục đích nâng cao hiệu lực giám sát của các đại biểu Quốc hội, là cách đại biểu thể hiện chính kiến với người mình đã bầu ra, đồng thời giúp người được lấy phiếu thấy rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình để phấn đấu thêm.

Ông Lê Thanh Tùng bày tỏ: Phạm vi kỳ “sát hạch” lần này là khá rộng với 48 Bộ trưởng, “Tư lệnh ngành” ở các lĩnh vực khác nhau là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây cũng là những ngành đòi hỏi về năng lực quản lý, điều hành công việc của người đứng đầu khác nhau. Rất khó để đại biểu đưa ra các mức độ lựa chọn “Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm", "Tín nhiệm thấp” khi phải cân nhắc, tách bạch rõ ràng trách nhiệm cá nhân, tập thể, cũng như xét dựa trên tổng thể bối cảnh xã hội.

“Thực tế là có những vấn đề tồn đọng từ rất lâu, khó giải quyết trong một sớm một chiều từ trước khi bộ trưởng lên nắm quyền quản lý, điều hành. Nhưng cũng có bộ trưởng có trách nhiệm trong nhiều vấn đề trong nhiệm kỳ khiến người dân suy giảm niềm tin. Vì thế, tôi trông đợi kết quả lá phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội và cũng chờ xem những “Tư lệnh ngành” như Y tế, Giáo dục, Giao thông Vận tải… tới đây sẽ cải thiện lòng tin của người dân ra sao”, cử tri Lê Thanh Tùng bày tỏ quan điểm cá nhân.

Cùng quan điểm trên, cử tri Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà thành (Phố Đỗ Ngọc Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ trông đợi đại biểu sẽ cân nhắc để đưa ra lựa chọn chính xác về mức độ “Tín nhiệm cao" cho các bộ trưởng có năng lực điều hành, quyết liệt trong quản lý, đưa ra được nhiều giải pháp khả thi, có thái độ làm việc tích cực, trách nhiệm, lắng nghe dư luận, tiếng nói người dân một cách cầu thị.

“Khi lá phiếu đưa ra phải dựa trên hiệu quả công việc, thái độ trách nhiệm của người đứng đầu với công việc. Tôi cũng mong rằng, qua lần “sát hạch” giữa kỳ này, Quốc hội không chỉ thăm dò được mức độ tín nhiệm đối với các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn làm căn cứ, thước đo có thể đi đến những quyết định quan trọng như miễn nhiệm bằng thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”. Xa hơn, đó sẽ là cơ sở cho việc giới thiệu, quy hoạch, tái ứng cử khóa sau hoặc thêm cho cơ sở, đơn vị chủ quản xem xét, đánh giá cán bộ và bố trí đơn vị trong thời gian sắp tới”, cử tri Đỗ Thị Tám bày tỏ.

Trong sáng nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội:  Bỏ phiếu tín nhiệm khách quan là trách nhiệm với cử tri
Đại biểu Quốc hội: Bỏ phiếu tín nhiệm khách quan là trách nhiệm với cử tri

Các đại biểu chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình trước khi bỏ lá phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử hoạt động, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN