Đại biểu Quốc hội: Bỏ phiếu tín nhiệm khách quan là trách nhiệm với cử tri

Các đại biểu chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình trước khi bỏ lá phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử hoạt động, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh quan trọng trong Quốc hội và Chính phủ. Kết quả lấy phiếu sẽ được thông báo vào chiều cùng ngày.

Phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến các đại biểu:

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Sẽ không có chuyện cào bằng trong đánh giá tín nhiệm

Chú thích ảnh

Yếu tố quan trọng nhất để tôi bỏ phiếu Tín nhiệm cao với một Bộ trưởng/trưởng ngành chính là hoàn thành nhiệm vụ. Một Bộ trưởng hay trưởng ngành dù có nói hay đến đâu, xông xáo năng động đến đâu nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là kết quả thực hiện công việc. 

Bên cạnh các yếu tố như nhân cách, đạo đức thì chiếm tỷ trọng cao để đánh giá tín nhiệm là có hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước, nhân dân giao cho hay không.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là những vị trí trong Quốc hội ít nóng hơn, ít cọ xát với người dân hơn nên có ý kiến là: "các vị lãnh đạo trong Quốc hội ít bị soi hơn các vị trong Chính phủ". Ý kiến này không hẳn là sai, nhưng sẽ không có ưu ái.

Các Bộ trưởng càng gần dân, càng liên quan đến an sinh xã hội thì được người dân quan tâm, theo dõi chặt chẽ hơn. Tuy là khó khăn hơn nhưng các đại biểu hiểu hoàn cảnh công việc của những người đó. Không thể cào bằng những người làm việc đơn giản, ít va chạm với những người đã rất cố gắng rồi, đã có biến chuyển tốt nhưng còn những cái chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cần có nhìn nhận khách quan để đưa ra phiếu tín nhiệm thực sự chính xác.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ chuẩn xác hơn

Chú thích ảnh

So với những lần lấy phiếu tín nhiệm trước, lần này báo cáo của các vị được lấy phiếu đã gửi sớm hơn và cụ thể hơn. Lần trước lấy phiếu tín nhiệm 2 lần nên có nhân sự mới vào được 1 năm, chưa thể hiện được vai trò của mình, việc lấy phiếu không chuẩn xác lắm. Lần này lấy phiếu giữa nhiệm kì thì đã có thời gian hơn 2,5 năm, các nhân sự thể hiện được vai trò và công việc của mình nên việc đánh giá sẽ chuẩn xác hơn.

Sự chuẩn bị của Ủy ban thường vụ Quốc hội rất chu đáo, gửi đến từng đại biểu đánh giá kiểm điểm của các nhân sự được lấy phiếu lần này. Rất nhiều báo cáo cụ thể, nêu được ưu điểm và giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Tuy nhiên cũng còn có những bản báo cáo chưa hoàn thiện vì chỉ nêu thành tích mà chưa nêu hạn chế và giải pháp trong thời gian tới, trong đó có những điểm mà người dân và đại biểu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục.

Người dân rất quan tâm lần lấy phiếu tín nhiệm này, đặt niềm tin vào lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Lá phiếu tín nhiệm rất có giá trị về mặt chính trị, khẳng định trách nhiệm của đại biểu với cử tri.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Thông tin từ cử tri là kênh đánh giá quan trọng

Chú thích ảnh

Tôi cho rằng, khi đánh giá tín nhiệm thì hoạt động của những vị được lấy phiếu có tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế gì chưa giải quyết được sẽ là cơ sở quan trọng để các vị nhận được hay không nhận được lá phiếu tín nhiệm.

Đánh giá tín nhiệm là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, thể hiện bằng lá phiếu. Vậy nên đại biểu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.

Tại các kỳ họp Quốc hội, toàn bộ ý kiến của cử tri đều được tập hợp chi tiết và gửi tới các đại biểu Quốc hội, trong đó liên quan đến mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế và xã hội, bao gồm lĩnh vực hoạt động của các vị sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua ý kiến của cử tri và việc trả lời, giải quyết của các vị đó thì đại biểu Quốc hội sẽ có đủ cơ sở để đánh giá.

Thông tin từ cử tri là một trong những kênh rất quan trọng vì hoạt động của các vị đó sẽ được phản ánh trên thực tế cuộc sống của nhân dân cả nước. Giải quyết được những bức xúc của cử tri một cách nhanh chóng sẽ là công cụ để đánh giá tín nhiệm.

Theo tôi, để có kết quả đánh giá chính xác, cần nhìn vào kết quả cuối cùng của lĩnh vực mà cán bộ phụ trách xem nó có tiến bộ hay thụt lùi so với trước. Chốt lại, kết quả cuối cùng sẽ là thước đo hiệu quả hoạt động của vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Danh sách 48 người được Quốc hội thông qua để lấy phiếu tín nhiệm
Danh sách 48 người được Quốc hội thông qua để lấy phiếu tín nhiệm

Với 95,67% đại biểu tán thành, chiều 24/10, Quốc hội đã thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN