86 ngày không ca lây nhiễm cộng đồng
Đến chiều 10/7, Việt Nam không thêm ca mắc mới COVID-19, có thêm 3 bệnh nhân khỏi bệnh, trong đó 1 bệnh nhân 6 tuổi. Như vậy, đã 86 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.923 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 72; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.447; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 404 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 2 ca.
Chiều 10/7, có thêm 3 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 350 trường hợp, chiếm 94,9% số ca mắc COVID-19 của Việt Nam. Bệnh nhân phi công người Anh dự kiến xuất viện sáng 11/7.
Cả nước còn 19 trường hợp vẫn đang điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khoẻ ổn định.
Tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại
Chiều 10/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kịp thời đưa bà con, học sinh - sinh viên người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài và người nước ngoài như chuyên gia, học sinh - sinh viên, nhà quản lý, công nhân lành nghề... có nhu cầu cần thiết vào Việt Nam; đưa công nhân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ đường bay quốc tế... Đồng thời, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Chính phủ nước bạn để tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam cũng như đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
Nhấn mạnh cần phát huy các điểm bay ở một số nước như Tokyo (Nhật Bản); Seoul (Hàn Quốc); Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc); Viêng Chăn (Lào); Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng đề nghị, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi cụ thể, chi tiết nhằm giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, công khai việc mở rộng cách ly, mở đường bay.
Chuẩn bị đón công dân, nhà đầu tư nhập cảnh
Tại phiên họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu lên phương án mở rộng cách ly tập trung, cách ly linh hoạt tại khách sạn của các địa điểm thuận lợi, các nhà khách của công an, quân đội, khách sạn quân sự lên quy mô ít nhất 10.000 người. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng cung cấp cho ngành Y tế, ngành Hàng không những địa điểm cách ly dân sự; các nhà máy cho các chuyên gia cách ly.
Bên cạnh việc chuẩn hóa quy trình, thủ tục mời, đón khách đến Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ người Việt Nam cách ly tập trung tại khách sạn, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Các địa phương lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ ngành Quân đội, ngành Du lịch trong việc triển khai công tác cách ly.
Thủ tướng đồng ý việc lập khu vực an toàn tại một số cửa khẩu để người nước ngoài đến Việt Nam đàm phán, ký kết hợp tác hợp đồng liên quan; thời điểm xét nghiệm nhanh; đảm bảo tiêu chuẩn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường đại học, đặc biệt trường có chương trình liên kết với nước ngoài, chất lượng cao để có phương án tiếp nhận học sinh về học tại Việt Nam khi có nhu cầu; có kế hoạch đón học sinh các nước đến Việt Nam, ưu tiên học sinh-sinh viên Lào, Campuchia.
Về vấn đề thu phí người được cách ly, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm, sớm đề xuất bằng văn bản có có quyết sách. Ngành Y tế có khuyến cáo phương thức cách ly y tế phù hợp với các quốc gia có mức độ dịch khác nhau. Thủ tướng đồng ý việc mở tài khoản riêng để huy động, đóng góp tự nguyện trong cách ly tập trung.
Đưa ngay người lao động tại Guinea Xích Đạo về nước
Cũng tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện có 219 người lao động Việt Nam làm việc tại Guinea Xích Đạo, trong đó Công ty Lilama 10 là 49 người; Công ty CM Vietnam 164 người; Công ty Trác nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Tân Đại Lợi 6 người. Người lao động đang làm việc tại công trình Nhà máy Thủy điện Sendje, tỉnh Littorial, nước Cộng hòa Guinea Xích đạo theo hợp đồng giữa ba công ty với Công ty tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh).
Theo đó, cuối tháng 6/2020, sau khi có biểu hiện ho, sốt, một số người lao động cơ quan y tế xét nghiệm COVID-19. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 nêu rõ có 16 lao động người Việt Nam dương tính với virus SARS-CoV-2 và 20 người nghi nhiễm. Những người này được đưa đi chữa trị và cách ly theo quy định của cơ quan y tế sở tại. Qua theo dõi và điều trị, đến nay, sức khỏe một số người lao động đã tạm thời ổn định.
Đến nay, tổng số có 112/219 người lao động Việt Nam mắc COVID-19. Hiện tất cả các trường hợp mắc bệnh đã được đưa đi chữa trị theo quy định của Guinea Xích Đạo.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 3/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi văn bản lên Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích Đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo 3 công ty làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu chính tạm dừng công việc tại công trường; hướng dẫn biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh ăn ở đầy đủ dinh dưỡng; xây dựng phương án đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Hiện nay, các công ty đã trao đổi với chủ đầu tư, nhà thầu chính để dừng việc tại công trường; có phương án chuyển toàn bộ người lao động để tránh dịch bệnh theo nguyện vọng của người lao động.
Nhận thấy diễn biến dịch COVID-19 nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao, cần điều trị kịp thời, trong khi đó vụ việc xảy ra ở ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân để đưa toàn bộ số lao động trên về nước, đồng thời đảm bảo cách ly y tế và điều trị theo quy định. Chi phí chuyến bay do doanh nghiệp và nhà thầu chi trả.
Thủ đô Malabo của Guinea Xích Đạo nằm ở giữa đảo, trong khi lao động Việt Nam đang làm việc ở đất liền, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, khảo sát bay thẳng.
30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc, giảm thu nhập
Tại họp báo tình hình lao động việc làm quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (GSO) diễn ra ngày 10/7, Phó Tổng cục trưởng GSO - ông Phạm Quang Vinh cho biết: Kết quả điều tra lao động việc làm quý II/2020 cho thấy: Tính đến hết tháng 6/2020, có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Theo GSO, ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8%; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch. Người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm tương ứng là 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thì càng bị giảm thu nhập ít hơn.
Đại diện GSO cũng cho biết thêm: Lao động có việc làm ở 3 khu vực kinh tế trong quý II/2020 đều giảm so với quý I/2020 và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16 triệu người, giảm 497.400 người so với quý trước và giảm 287.700 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 18,7 triệu người, giảm 778.100 người so với quý trước và giảm 642.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Nắm bắt tình hình công nhân viên chức, lao động tại Hà Nội
Trong 6 tháng đầu năm 2020 các cấp Công đoàn Thủ đô đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình công nhân viên chức - lao động, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ngày 10/7, tại Hội nghị sơ kết công tác Công đoàn và phong trào công nhân viên chức - lao động 6 tháng đầu năm 2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, với tinh thần chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, nội dung và phương thức hoạt động, công nhân viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2020.
Trước mắt, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Cụ thể là các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động, các đơn thư khiếu nại, kiến nghị để bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng thời, các cấp Công đoàn tổ chức cho người lao động tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các dự án luật, các văn bản pháp quy của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các vấn đề liên quan trực tiếp đến đoàn viên, công nhân lao động.
Từ nay đến cuối năm 2020, thành phố sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với đại diện công nhân lao động; đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã với công nhân viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn trên địa bàn. Các cấp Công đoàn sẽ tham gia giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ; nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động sau đại dịch COVID-19; tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và Quỹ trợ vốn công nhân viên chức - lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay...
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020 các cấp Công đoàn Thủ đô đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình công nhân viên chức - lao động, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động.