Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận, chúc mừng kết quả mà Ban Dân nguyện đã đạt được trong năm qua. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Góp phần vào kết quả chung trong hoạt động của Quốc hội năm 2018 có sự đóng góp của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức của Ban Dân nguyện.
Những kết quả mà Ban Dân nguyện đã đạt được trên các mặt công tác như tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo… đã đóng góp vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân và cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2019 tiếp nối năm 2018 với nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Cụ thể, tình hình khiếu kiện, khiếu nại, số lượng đơn thư sẽ còn tăng và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp... Việc triển khai nhiệm vụ năm 2019 về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đặt ra với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện là rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực cao để hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, công tác dân nguyện cần tiếp tục bám sát chủ trương; triển khai, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, làm tốt công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong công tác tiếp công dân để nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác này; nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch tiếp công dân định kỳ và đột xuất cho các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện và các cơ quan, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc cần có sự phối hợp thật tốt, bảo đảm chặt chẽ trong hoạt động triển khai giám sát, trong việc đánh giá, tổng hợp để có sự thống nhất, tránh làm phát sinh những nội dung gây tranh luận không đáng có. Trong quá trình giám sát, các đơn vị cần tăng cường trao đổi, thống nhất vấn đề bảo đảm khách quan, phản ánh đúng tình hình để có phương án xử lý phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, từ ngày 1/7/2016, việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc nhiệm vụ của Ban Dân nguyện đã được thực hiện theo Nghị quyết 1156 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thực hiện quy định này hướng tới việc chấm dứt tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội.
Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho số lượng đơn thư do công dân gửi đến sẽ tập trung nhiều ở Ban Dân nguyện. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Ban cần quyết liệt, tích cực, chủ động trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu xử lý lượng đơn, thư, không để tồn đọng; cải tiến hình thức phân loại đơn (phân loại sơ bộ, phân loại theo thứ tự ưu tiên,…); gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức để làm căn cứ đánh giá kết quả công việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác dân nguyện cần bám sát, phản ánh nhanh, kịp thời, chính xác tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh đúng những vấn đề nổi lên mà nhân dân đang quan tâm; tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Báo cáo kết quả công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho biết: Năm 2018, Ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ là đại diện cho các cơ quan của Quốc hội trực tiếp tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân phục vụ các Hội nghị Trung ương và Kỳ họp thứ 5, 6 của Quốc hội.
Trong đó, Ban đã trực tiếp tiếp 1.167 lượt người về 1.037 vụ việc trong đó có 37 đoàn đông người. Trong năm, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 18.715 đơn (tăng 38,77% so với năm 2017). Qua phân loại có 1.239 đơn đủ điều kiện xử lý; sau khi nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu, phân tích, đánh giá, Ban đã chuyển 318/1.239 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đến nay đã nhận được 136/318 công văn trả lời.
Bên cạnh đó, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều đổi mới. Công tác tập hợp kiến nghị qua tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đã được triển khai một cách chuyên nghiệp, khoa học, công khai và kịp thời. Công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị cũng rất sát sao, do đó liên tục từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, 100% kiến nghị của cử tri đều được cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lời đúng thời gian quy định; đối với nhiều kiến nghị của cử tri chưa thể giải quyết được ngay cũng được các bộ, ngành nêu rõ về thời hạn, lộ trình giải quyết để cử tri yên tâm.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Đỗ Văn Đương, công tác dân nguyện còn một số tồn tại, hạn chế. Số lượng đơn, thư được nghiên cứu, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết chưa nhiều; việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết chưa thường xuyên; chưa tổ chức giám sát được về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại nhiều bộ, ngành trung ương. Công tác tập hợp, giám sát việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số vấn đề mới, nóng được cử tri, xã hội quan tâm trong một số trường hợp còn chậm…