Chương trình nghiên cứu tổng kết, đánh giá thực tiễn không chỉ ở một nhiệm kỳ mà được đặt trong sự vận hành liên tục trong quá trình lãnh đạo của Đảng về sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ về công cuộc đổi mới. Chương trình gắn liền với nhiệm vụ tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới của đất nước và là chương trình đặt nền móng rất quan trọng để chuẩn bị những cơ sở lý luận và thực tiễn, bổ sung hoàn thiện Cương lĩnh xây dựng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tại mốc quan trọng Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.
Nhấn mạnh đây là một đề tài không chỉ của nhiệm kỳ này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, chương trình sẽ đặt nền móng cho mấy chục năm tiếp theo, nhất là việc cung cấp luận cứ cho viết Cương lĩnh khi Đảng ta tròn 100 tuổi, thực tiễn mới, nền tảng phát triển mới, những quan điểm tiếp cận mới của thế giới, của nhân loại của khu vực và của chính đất nước ta. "Do đó rõ ràng chúng ta cần phải có chuẩn bị và đặc biệt Chương trình này không phải vấn đề là mô tả, giải thích đường lối, phải có những phát hiện, những tìm tòi, luận giải phải thật sự thuyết phục, đủ cơ sở lý luận và thực tiễn", Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 gọi tắt là Chương trình KX 04/21-25 là chương trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; phục vụ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phục vụ việc quy hoạch định đường lối của Đảng mà cụ thể là trực tiếp phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các nhóm vấn đề của Chương trình KX 04/21-25 yêu cầu, đặt ra như: làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về hệ tư tưởng; mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu những vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; về vấn đề dân chủ và kiểm soát quyền lực… phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng, trong xã hội.
Các đại biểu cùng làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế, các khu vực kinh tế, vấn đề quản lý phát triển kinh tế. Tổng kết thực tiễn những vấn đề về văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường. Những vấn đề trọng yếu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây chính là nội dung các vấn đề đặt ra trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra cho Chương trình KX 04/21-25.