Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Ngày 20/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.


 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đồng bào các dân tộc. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

 

Hơn 200 đại biểu già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân, đại diện cho 19 dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước là nguồn động viên, biểu dương, khích lệ những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhân dịp Tết đến xuân về. Các đại biểu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, góp phần giao lưu tình cảm giữa các dân tộc anh em, giao lưu tình cảm giữa các dân tộc, động viên tinh thần phấn khởi đón mừng xuân mới với khí thế mới.


Cùng có mặt trong buổi gặp mặt, đại diện bà con Việt kiều về Việt Nam đón Tết bày tỏ cảm kích khi được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho gặp gỡ với đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.


 

Lễ rước dâu của người Dao được tái hiện trong chương trình Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Ảnh: Thanh hà – TTXVN

Nói chuyện thân mật với bà con các dân tộc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã có những ngày đón Tết, vui xuân đầm ấm sau một năm nỗ lực phấn đấu vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự nỗ lực của đồng bào, Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc có những ngày Tết truyền thống đầm ấm, ý nghĩa. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, những việc làm cụ thể, hết sức ý nghĩa của các tập thể, cá nhân với đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để cùng đón Tết dân tộc.


Chủ tịch nước đã đi thăm các công trình tín ngưỡng của đồng bào Chăm và Khơ me trong khuôn viên Làng Văn hóa du lịch; dự lễ hạ Nêu - nghi thức truyền thống tốt đẹp, báo hiệu thời điểm kết thúc những ngày vui Tết để bắt đầu bước vào một năm lao động, sản xuất mới, được tổ chức trang trọng tại quảng trường Làng Văn hóa du lịch. Chủ tịch nước khẳng định, bản sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Một Việt Nam với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến trong những lúc khó khăn nhất, tình thế gian nan nhất, đoàn kết và lòng tự hào dân tộc trở thành sức mạnh nội sinh để dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi thử thách, chông gai, tồn tại và không ngừng phát triển. Các sinh hoạt văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc bước vào những mùa xuân mới, đi đến những chân trời mới.


Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào các dân tộc trong cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.


lNhững ngày này, mái nhà chung của làng Việt bỗng bừng lên sức sống, khi cộng đồng các dân tộc Mông, Pà Thẻn, La Chí, Pu Péo, Cơ Lao, Lô Lô, Giáy, Bố Y (tỉnh Hà Giang); Xinh Mun, Kháng, La Ha, Lào (tỉnh Sơn La); Tày, Nùng (tỉnh Lạng Sơn); Dao, Sán Chay (tỉnh Tuyên Quang); Hoa, Ngái, Sán Dìu (tỉnh Bắc Giang); Mường (tỉnh Hòa Bình); Thái, Thổ (tỉnh Thanh Hóa); Khơ Mú, Phù Lá (tỉnh Yên Bái) và các dân tộc Giarai, Ê-đê, Mơ nông, Cơ Ho... cùng nhau chung vui trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, diễn ra từ 19-21/2/2013 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Cùng với tiếng cồng chiêng rộn rã, trong tiếng khèn, tiếng sáo, trong làn điệu Then... bà con các dân tộc bày tỏ niềm tự hào khi được giới thiệu với du khách, với cộng đồng các dân tộc anh em về bản sắc văn hóa, những giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Mông xoay tròn trong điệu múa khèn mừng Xuân, đồng bào Mường góp vui với điệu hát mừng năm mới, những thiếu nữ dân tộc Lào đắm mình trong điệu múa "Hoàng hôn bên tháp"... cùng với những tràng pháo tay rộn rã cổ vũ của du khách, lời mời chào uống rượu cần... tất cả những âm thanh rộn ràng ấy đã tạo nên một không gian sôi động nhưng cũng rất gần gũi, thân quen, đậm đà bản sắc dân tộc.


Được về vui xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lần này, các nghệ nhân, đồng bào đại diện cho các dân tộc đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đều vui mừng và phấn khởi. Lần đầu tiên được về thủ đô Hà Nội, được vui đón xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Lò Văn Phăng, dân tộc La Ha ở bản Tạy (xã Pi Toong, huyện Mường Lay, tỉnh Sơn La) vui lắm. Ông Phăng chia sẻ: “Đầu xuân năm mới, được về đây dự hội, được gặp và nghe Chủ tịch nước chúc Tết, được làm quen với những người bạn mới, mình thấy vui lắm. Và mình rất tự hào khi được giới thiệu với đồng bào thủ đô, với các dân tộc anh em về một lễ hội nổi tiếng của người La Ha mình, đó là Lễ hội Pang A Nụn Ban (Dâng hoa măng). Đây là lễ hội đầu xuân năm mới để cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang có công vì sức khỏe cộng đồng cũng như ước muốn về sự phát triển, trường tồn của nòi giống... Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc của người La Ha mình...”.


Cùng chung cảm xúc phấn khởi vì lần đầu tiên được về thủ đô vui ngày hội xuân tại Làng văn hóa, anh Vừ Mí Chữ, bản Sẳng Pả 1 (xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, Hà Giang) cho biết: “Đầu xuân năm mới, cộng đồng dân tộc Mông xã Đường Thượng chúng tôi rất vui và tự hào vì được tham gia Ngày hội xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được giới thiệu, giao lưu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác trong cộng đồng Việt Nam. Lần về xuôi này, đồng bào Mông ở Đường Thượng chúng tôi giới thiệu với du khách và các dân tộc anh em Lễ hội Gầu Tào, một lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Mông Hà Giang”.


Thầy cúng Nguyễn Văn Đài (xã Liên Trung, Tiên Yên, Bắc Giang), người đảm nhiệm các nghi thức trong lễ dựng và hạ cây nêu cho biết: “Tại quê hương Bắc Giang, mỗi dịp Tết đến xuân về, theo truyền thống, để chuẩn bị cho Tết cổ truyền không chỉ có gói bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa và bàn thờ gia tiên… mà cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng dựng cây nêu trước nhà để trừ tà ma, quỷ, khẳng định mảnh đất đã có chủ quyền và không có thế lực nào có thể xâm phạm, xâm lấn. Đây cũng là nghi thức để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng, sức sống mùa xuân với mong muốn mang lại sức khỏe, may mắn cho gia đình, làng xóm… Đây cũng là một mong muốn của cộng đồng các dân tộc tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam”.


Hoàng Giang - Phương Hà - Vũ Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN