Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Ethiopia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Ethiopia, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước trong những năm tới.
Ethiopia là một trong những quốc gia lâu đời nhất ở châu Phi, có tiềm năng phát triển cả về nông nghiệp và công nghiệp. Nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân Ethiopia (85% lao động, 90% tổng thu xuất nhập khẩu, 46% tổng sản phẩm nội địa), nhưng cho đến nay, chỉ có hơn 10% trong tổng số 790.000 km2 đất nông nghiệp được khai thác.
Giữa năm 2015, Chính phủ Ethiopia đã thông qua Kế hoạch phát triển Tăng trưởng và Chuyển đổi lần thứ 2, ưu tiên công nghiệp hóa, đô thị hóa và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hiện Ethiopia được coi là hình mẫu phát triển tại châu Phi, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực (trung bình khoảng 10% trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay).
Về quan hệ song phương, hai nước đã tiến hành ký kết các văn bản như: Hiệp định khung về hợp tác văn hóa và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật; thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ethiopia. Năm 2017, kim ngạch thương mại đạt 11,3 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất.
Ethiopia ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC, 2016 - 2018). Tháng 4/2014, Ethiopia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Mới đây, Ethiopia đã khẳng định chính thức ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam ủng hộ Ethiopia ứng cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Ethiopia có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tham gia đoàn còn có Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, Đại sứ Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Kim Doanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp.
Kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia, nhận lời mời của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 25 - 29/8/2018.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung, với Ethiopia và Ai Cập nói riêng.
Chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo Việt Nam và các nước Ethiopia và Ai Cập trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh, như nông nghiệp, văn hóa, du lịch.