Đánh giá về phần chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền ngày 19/11 về vấn đề nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tiền lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội..., nhiều đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã thẳng thắn nhìn vào thực tế, kể cả những việc chưa làm được, không thoái thác trách nhiệm để tìm hướng giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN |
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học và trung học nghề, giải pháp xử lý các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội...
Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chưa cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu đại biểu nêu ra. Theo đại biểu Ngô Văn Minh, tham gia chất vấn, đại biểu đưa ra hai vấn đề. Một là, thanh tra nợ đọng bảo hiểm xã hội có nguyên nhân sâu xa từ công tác thanh tra. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước nhưng chưa làm tròn trách nhiệm. Trong khi đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này lại đề xuất chuyển quyền thanh tra Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Không nhất trí với đề xuất này, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, Bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp công lập có thu thì không thể có chức năng thanh tra, mà chức năng này phải thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Đại biểu đặt câu hỏi: Đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giúp nâng cao hiệu quả không? Tại sao phải chuyển?... nhưng Bộ trưởng chưa đưa ra được câu trả lời xác đáng.
Một vấn đề khác mà đại biểu nêu ra là, việc đầu tư cho hệ thống trường dạy nghề do Bộ quản lý còn nhiều hơn đầu tư cho đại học, nhưng lại để xảy ra tình trạng: Trường mở ra nhiều, tuyển sinh nhiều mà không có người học, hoặc là người học khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, phải đào tạo lại, gây lãng phí và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Giải pháp cụ thể của vấn đề này như thế nào? Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, Bộ trưởng cũng chưa trả lời hết ý. Trong báo cáo của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã nêu lên nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh tiếp tục kiện toàn, tăng cường việc này, đẩy mạnh việc kia... nhưng cử tri muốn biết sắp tới những vấn đề gì sẽ được giải quyết và giải quyết trong bao lâu, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề đóng bảo hiểm cho người lao động ở nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhưng Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng chưa đưa ra được giải pháp căn cơ. “Ở nước ta người lao động đóng bảo hiểm nhưng không biết mình đóng bao nhiêu. Người đóng bảo hiểm và cơ quan bảo hiểm phải qua khâu trung gian là người sử dụng lao động; người sử dụng lao động vi phạm bảo hiểm xã hội thì lại phạt người lao động. Điều này là vô lý!” Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa đưa ra được biện pháp giải quyết vấn đề này, đây chính là một trong những lý do mà đại biểu đề nghị Quốc hội không thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trong kỳ họp này.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận rằng các giải pháp về nâng lương thời gian qua chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương,“tiền lương mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu”. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, vấn đề này riêng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không thể giải quyết được, mà đòi hỏi có sự phối hợp nhiều bộ, ngành. “Các bộ, ngành và cả các địa phương nếu không vào cuộc, cương quyết cắt giảm biên chế, sắp xếp lại lao động, thì bài toán tiền lương rất khó được giải quyết”, đại biểu Trương Minh Hoàng nhận định.
Giang Nguyễn