Cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đa số đại biểu đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Có ý kiến đề xuất cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đã có lộ trình, quyết tâm và đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực; theo đó sẽ bỏ phương thức quản lý qua Sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/7/2021.

Nội dung được quan tâm trong dự án Luật này là chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới, tiến tới không dùng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị trong dự thảo Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. 

Phát biểu giải trình về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cư trú hướng đến 3 mục tiêu: Đảm bảo yêu cầu để không cản trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý cho công dân trên lãnh thổ Việt Nam, để thực hiện các giao dịch và phục vụ cuộc sống. Việc quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước không được làm phiền hà, phức tạp, để tạo điều kiện cho người dân. 

Về vấn đề chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị phương án: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021; không có quy định về chuyển tiếp, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Phương án này, cơ quan soạn thảo đã đối chiếu với năng lực hoạt động và thực tiễn. "Nếu không dứt khoát được thời điểm, rất phiền phức cho người dân và cả cơ quan quản lý" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Đại tướng Tô Lâm, bỏ Sổ hộ khẩu giấy là điều mong ước của người dân. Thay đổi phương thức quản lý sẽ mang đến sự thay đổi, sự phấn khởi của người dân. Sổ hộ khẩu còn có rất nhiều điều khoản, quy định khác liên quan đi theo. Do đó, những quy định phương thức quản lý thay đổi, cả hệ thống phải thay đổi chứ không phải chỉ Sổ hộ khẩu.

Đồng thời, các quy định về triển khai căn cước công dân cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Đến nay, hơn 90% dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã thu thập xong, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Mục đích là đến ngày 1/7/2021, các phương thức quản lý liên quan đến Sổ hộ khẩu, căn cước công dân triển khai đồng bộ. "Chúng tôi đã có lộ trình, bước đi và mạnh dạn đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc chức năng “chủ trì, duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” và xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp để tránh chồng chéo với Luật Công an nhân dân; có ý kiến đề nghị thay từ “chủ trì” bằng từ “phối hợp”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một thể thống nhất, bao gồm biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại khu vực biên giới, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đối với những băn khoăn quy định của dự thảo Luật sẽ có sự chồng chéo, lấn sân với lực lượng Công an trong nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Những quy định để lực lượng Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ có sự khác biệt với nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa của lực lượng Công an. Trong trường hợp cần phối hợp thì chắc chắn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp để sao cho việc thực thi pháp luật của hai lực lượng không dẫm chân lên nhau.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Điều 35 Luật Quốc phòng không có quy định giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì việc bảo đảm an ninh, trật tự biên giới. Với quy định, giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, cần đánh giá tác động của vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bàn về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) nêu ý kiến dự thảo luật cần bổ sung hành vi “xúc phạm danh dự nhân phẩm của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng”, bởi thực tế đã xảy ra tình trạng này, do đó cần đưa vào quy định trong luật để có cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp xử lý. “Ngoài ra, tôi cho rằng bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chủ trì cần làm rõ trách nhiệm cần gắn trách của đứng đầu cơ quan, đơn vị phối hợp trong công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm nâng cao hiệu quả công tác”, Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Ngày 22/10, buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

TTXVN/Báo Tin tức
Bên lề Quốc hội: Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực và công bằng
Bên lề Quốc hội: Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực và công bằng

Sáng 21/10, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, một số đại biểu đã ghi nhận về sự hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua đối với doanh nghiệp và người dân để vượt qua khó khăn, nhất là tại thời điểm phải đối mặt với ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN