Cải cách thủ tục hành chính ngay trong xây dựng quy định pháp luật

Sáng 31/7, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp phiên thứ năm, sơ kết công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động của Tổ công tác và Hội đồng 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Chuyển gánh nặng từ yêu cầu người dân cung cấp sang cơ quan Nhà nước xác minh

Ông Ngô Hải Phan, Ủy viên thường trực Tổ công tác, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, đã có 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật được cắt giảm, đơn giản hóa. Tính từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật, ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,6% và khoảng 10% chi phí tuân thủ. Nhiều quy định được cải cách mạnh mẽ mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. 

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã phân cấp 108 thủ tục hành chính tại 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 50 thủ tục hành chính phân cấp từ cấp trên cho cấp dưới và 58 thủ tục hành chính phân cấp trong nội của bộ, cơ quan. Tính từ năm 2022 đến nay, đã có 19/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 261/699 thủ tục hành chính tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều thủ tục hành chính được phân cấp giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, cơ quan cấp trên giảm việc sự vụ và tập trung vào xây dựng chính sách; giảm thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai 19 nghị quyết chuyên đề và Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm, đã đơn giản hóa 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại 26 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được đơn giản hóa đến nay là 828 thủ tục hành chính, đạt 76%. Qua đó, giảm bớt yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và đẩy mạnh khai thác, tái sử dụng dữ liệu; các thủ tục hành chính liên quan đến dân cư được đơn giản hóa giúp cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông hai nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Theo đó, cắt giảm 9 loại giấy tờ và tái sử dụng 6 trường thông tin; chuyển gánh nặng từ yêu cầu người dân cung cấp sang cơ quan Nhà nước xác minh hoặc sử dụng dữ liệu đã có, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm chi phí, thời gian (nhóm khai sinh từ 21 ngày giảm còn 4 ngày, nhóm khai tử từ 25 ngày xuống còn 18 ngày).

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, góp phần khắc phục điểm yếu trong khâu tổ chức thực thi. Hội đồng Tư vấn cũng đã phát huy vai trò "cầu nối" giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào quá trình cải cách của Chính phủ, bảo đảm cải cách hướng tới người dân, phục vụ người dân cũng như nâng cao khả năng phản ứng chính sách. Đến nay, Tổ công tác đã cơ bản hoàn thành 13/17 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn), Hội đồng tư vấn hoàn thành 10/23 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn) theo Kế hoạch hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm. Thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà.

Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi. Việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn thấp.

Nguyên nhân là do người đứng đầu một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính. Trình độ của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ; thói quen làm việc theo phương thức truyền thống, chưa theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương đôi khi còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời…

Khai thác hiệu quả Đề án 06

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, triển khai thí điểm cấp lý lịch tư pháp qua VNeID, đến 23/7, sau 3 tháng triển khai, thành phố đã tiếp nhận trên 33 nghìn hồ sơ yêu cầu, chiếm trên 81% tổng số hồ sơ cấp phiếu, cho thấy sự quan tâm ủng hộ rất lớn của người dân. Điều này đem lại 3 lợi ích lớn: tiết kiệm chi phí (ước tính tổng chi phí tiết kiệm cho người dân khoảng 10,8 tỷ đồng và cơ quan nhà nước khoảng 3,4 tỷ đồng);  người dân có thể yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ở đâu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, công chức Sở Tư pháp, người dân và cơ quan khác; công khai, minh bạch, giảm thiểu gánh nặng và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thông tin về việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, đến nay thành phố đã lập tổ công tác liên ngành để nghiên cứu và đang xây dựng đề cương Đề án, sẽ hoàn thiện trong năm 2024. Từ nay đến cuối năm, Thành phố tiếp tục rà soát, phê duyệt danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành trên môi trường điện tử, đưa 100% thủ tục cung cấp trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 7 việc làm được trong 6 tháng đầu năm, đó là phân cấp rất mạnh; thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa nhiều; thủ tục thực hiện trực tuyến tăng nhanh; đã có sự quan tâm đến ý kiến của doanh nghiệp và người dân một cách có trách nhiệm hơn; khai thác tốt kết quả của Đề án 06; có sự cải cách thủ tục hành chính ngay trong xây dựng quy định pháp luật; có một số mô hình hay như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, Thủ tướng có chủ trương cho xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 4 địa phương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh. 

Song, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 4 việc chưa được, đó là "nợ nần một số bộ, ngành, địa phương chưa trả xong, lên kế hoạch rồi nhưng làm không được"; có những việc vướng quy định không làm được (như chi phí đầu tư cho Đề án 06 có tiền mà không tiêu được); việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và phối hợp trên dưới chưa tốt; việc xử lý vướng mắc của người dân còn hạn chế, có những trường hợp sau khi giải thích người dân vẫn không hiểu, không làm được.

Nhấn mạnh phải quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn, trách nhiệm hơn Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, những việc chưa làm thì bây giờ phải làm, những việc dở dang tiếp tục làm, làm theo kế hoạch đã có và dưới "ánh sáng" các nghị quyết đã có, đề cao vai trò của người đứng đầu. Địa phương nào, bộ ngành nào người đứng đầu quyết liệt là nơi đó có thành quả và ngược lại.

"Phải phối hợp tốt hơn, tránh việc phát văn bản hỏi ông A, bà B rồi ngồi chờ, có khi cả năm chưa có trả lời", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc nhở làm tốt hơn công tác truyền thông; 6 Bộ: Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế trả lời kiến nghị của các địa phương trước ngày 15/8, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị của thành viên Hội đồng tư vấn, "phải tôn trọng Hội đồng tư vấn, các vị chuyên gia nói mình phải trả lời", thời hạn là 30/8. 

"Trả lời nhớ gửi cho tôi 1 bản, qua Thường trực Tổ công tác, để tôi kiểm soát. Cái này cũng phải sòng phẳng với nhau để cuối năm còn đánh giá", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đề cập đến mô hình cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID của Hà Nội và Thừa Thiên - Huế đem lại nhiều tiện lợi, Phó Thủ tướng mong các địa phương khai thác tối đa các ứng dụng mà Đề án 06 mang lại, bảo đảm an toàn kết nối; bày tỏ hy vọng mô hình thí điểm thành lập trung tâm phục vụ hành chính công một cấp bắt đầu khởi động vào tháng 9 năm nay sẽ mang lại kết quả tích cực.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cải cách hành chính theo tinh thần '5 đẩy mạnh'
Cải cách hành chính theo tinh thần '5 đẩy mạnh'

Tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) diễn ra ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “5 đẩy mạnh” trong cải cách hành chính trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN