Làm rõ khái niệm kê khai không trung thực
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Thanh tra Chính phủ, kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã bổ sung các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý vào dự thảo Luật (Điều 59).
Nhấn mạnh việc dự thảo Luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc dự thảo Luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp. Trên thực tế, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể phân thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể gồm: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Các trường hợp này có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cách xử lý cũng khác nhau. Đối với trường hợp tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản không hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người; nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản kê khai không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật nên định nghĩa cụ thể thế nào là kê khai không trung thực, kê khai thiếu hay giấu không kê khai; trong trường hợp giấu không kê khai thì là do cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nếu kê khai tài sản không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì không nên xử lý tài sản bởi đây là vấn đề riêng tư của mỗi cá nhân. Trong trường hợp này chỉ cần phê bình, góp ý hay kỷ luật chứ không nên truy thu tài sản.
Đề xuất áp thuế thu nhập cá nhân với mức 45%
Về cách thức xử lý cụ thể về tài sản, thu nhập, dự thảo Luật quy định trường hợp qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Việc truy thu thuế này không loại trừ trách nhiệm nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó có được do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có. Người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Đa số ý kiến tán thành với việc xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45%, coi đây là một khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai phải nộp thuế theo mức tương ứng với 1 lần tiền thuế và tiền phạt ở mức gấp 3 lần tiền thuế phải nộp. Nhiều đại biểu nhất trí với quy định: Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp, do phạm tội mà có.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính. Theo đó, Nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, đối với tài sản không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì có thể áp dụng chế tài xử phạt của Nhà nước theo hướng tài sản này sẽ bị tịch thu một phần. Ngoài ra, các ý kiến nhấn mạnh, việc truy thu thuế thu nhập cá nhân là không đúng với bản chất của sắc thuế này. Việc xử phạt sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện (không phải thực hiện thông qua cơ quan thuế). Trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với quy định thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý thì sẽ bị truy thu thuế. Tuy nhiên, đại biểu Hải băn khoăn về cơ sở để đưa ra mức truy thu 45% và liệu có xảy ra trường hợp đối tượng muốn hợp pháp hóa tài sản bất minh thông qua việc thu thuế này không. Trên cơ sở đó, ông Hải kiến nghị, các trường hợp này có thể áp dụng song song hai hình thức xử lý, đó là vừa bị xử lý trách nhiệm hình sự, có thể bị tịch thu tài sản này, vừa bị xử lý hành chính thông qua truy thu thuế.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng quy định, khi đối tượng không giải trình được việc tăng tài sản một cách hợp lý thì bị coi là tài sản bất minh và tài sản đó bị thu hồi, tịch thu.
Tài sản kê khai không trung thực có rất nhiều trường hợp, có thể tài sản đó là hợp pháp nhưng kê khai không đầy đủ, không đúng, do cả lỗi cố ý và vô ý. Đối với trường hợp này thì không nên thu hồi hay tịch thu ngay. Với lỗi không trung thực của cán bộ thì có thể xử lý kỷ luật về cán bộ, công chức hoặc xử phạt hành chính đối với hành vi đó. Còn trường hợp tài sản không chứng minh, không lý giải được thì về nguyên tắc phải tịch thu.