Đây là quyết tâm cao của hệ thống chính trị địa phương sau khi thực hiện đợt khảo sát tại một số doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp.
Kết quả khảo sát của Tỉnh ủy Bình Phước tại 44 doanh nghiệp ở 5 khu công nghiệp gồm Đồng Xoài I, Đồng Xoài II, Chơn Thành, Minh Hưng - Hàn Quốc, Bắc Đồng Phú về công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên tại các khu công nghiệp cho thấy: Ở một số khu công nghiệp đã có tổ chức đảng, có kết nạp đảng viên, nhưng số lượng, chất lượng vẫn chưa tương xứng.
Cụ thể, tại Công ty cổ phần gỗ Đồng Phú tại Khu Công nghiệp Đồng Phú có chi bộ Đảng với 5 đảng viên (trực thuộc Đảng bộ Công ty cổ phần cao su Đồng Phú). Tại 2 Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc và Bắc Đồng Phú có 29 đảng viên nhưng chưa có tổ chức Đảng; trong đó 16 đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú thôn, ấp hoặc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh và 13 đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú – đơn vị thuộc Đảng bộ Công ty cổ phần cao su Đồng Phú.
Theo đánh giá của đoàn khảo sát, khó khăn lớn nhất trong phát triển Đảng tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chính là nhận thức chưa đúng của một số chủ doanh nghiệp. Phần lớn chủ doanh nghiệp cho rằng, quan trọng nhất là sản xuất - kinh doanh cho tốt, còn việc thành lập tổ chức Đảng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, người lao động chủ yếu vì mục đích việc làm và có thu nhập; một bộ phận “ nhảy việc” thay đổi nơi làm việc nên ít quan tâm đến các hoạt động chính trị - xã hội.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bình Phước Nguyễn Phúc Bảy cho biết, doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường đặt lợi nhuận, lợi ích kinh tế lên hàng đầu, chưa quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, đoàn thể. Vì thế, việc phát triển đảng viên, đoàn viên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, dành nhiều thời gian cho sản xuất - kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến công tác đảng, đoàn thể chưa phát huy hiệu quả.
Hiện tại, Bình Phước có trên 39.000 đoàn viên công đoàn và 700 đoàn viên thanh niên sinh hoạt đoàn thể tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên do đoàn thể ít tổ chức sinh hoạt nên khó tập hợp quần chúng ưu tú giới thiệu nguồn để phát triển Đảng viên ở các doanh nghiệp.
Công tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, theo đánh giá của các doanh nghiệp – nơi nào có đảng viên, đoàn thể hoạt động tốt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, ngăn chặn kịp thời các vụ nghỉ việc tập thể; tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo tốt về đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động... Cụ thể như tại Công ty Cổ phần Gỗ Đồng Phú, Công ty trách nhiệm hữu hạn SG Vina, Công ty Phúc Thịnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương… có tổ chức sinh hoạt Đảng và các đảng viên đã từng bước khẳng định vai trò là hạt nhân tham gia vào công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng tại các khu công nghiệp, tỉnh Bình Phước đã nêu các giải pháp như: Gặp mặt doanh nghiệp theo định kỳ hằng tháng; Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp nếu có yêu cầu. Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cũng là tín hiệu tốt để xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức Đảng, đảng viên và các đoàn thể, từ đó phát huy được vai trò, vị trí tổ chức đảng, đoàn thể, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Về giải pháp xây dựng Đảng tại những doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa đủ số lượng theo quy định để thành lập chi bộ thì cấp ủy cấp trên cơ sở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cử đảng viên có chức vụ đến thành lập chi bộ và đảm nhiệm vai trò bí thư để gây dựng phong trào mạnh, chất lượng hơn. Đây cũng là giải pháp để chi bộ mới không lúng túng trong tổ chức và đề ra phương thức hoạt động, từ đó tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú đang làm việc tại khu công nghiệp để chi bộ xem xét kết nạp. Còn với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở Đảng nơi doanh nghiệp đứng chân sẽ chỉ đạo cấp ủy cấp dưới phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm phối hợp với lãnh đạo các đoàn thể theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, lựa chọn những quần chúng ưu tú trong các đoàn thể để phát triển đảng viên và từng bước chuẩn bị thành lập chi bộ đảng.