Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự và trao Bằng khen cho 39 giảng viên xuất sắc tiêu biểu.
Hội thi lần thứ VIII là kỳ Hội thi đầu tiên được tổ chức tại một địa điểm, quy tụ 130 giảng viên của 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị dự thi.
Kết quả, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi đã ban hành Quyết định công nhận 39/130 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc (chiếm 30%), 89 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi (chiếm 68,46%)…
Phát biểu bế mạc Hội thi, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các giảng viên đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hết mình với khát khao, mong muốn được khẳng định tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của người giảng viên lý luận chính trị, mang đến những nội dung thi xuất sắc. Các giảng viên đã bình tĩnh, tự tin, hoàn thành tốt nhất 3 nội dung thi, bám sát những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết gần đây của Đảng; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng; cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn mới, liên hệ thực tiễn sinh động, mang tính thời sự cao.
Cùng với đó, các giảng viên chú trọng hướng dẫn học viên vận dụng lý luận vào xử lý các vấn đề thực tiễn địa phương; áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, phong cách đa dạng, tự tin, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người học và thể hiện rất tốt năng lực tương tác với học viên. Những điều này đã tạo nên không khí sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ hào hứng, bổ ích, thiết thực, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Để phát huy những kết quả đã đạt được của Hội thi, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, mỗi giảng viên đã được công nhận là giảng viên dạy giỏi cần tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành những hạt nhân nòng cốt, giảng viên mẫu mực, có uy tín cao của mỗi trường, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đồng nghiệp và học viên.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kết quả của Hội thi cần trở thành nguồn cảm hứng, là động lực để các trường tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện và có các cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực đầu tư tương xứng cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh.
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị được tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần và trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thi đua thao giảng lớn của các thầy giáo, cô giáo trường chính trị cấp tỉnh. Các giảng viên dự thi thực hiện 3 nội dung thi: thi giáo án, thi viết và thi giảng. Theo quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, điểm nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc để xét các danh hiệu giảng viên dạy giỏi, yêu cầu giảng viên phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các giảng viên tham gia Hội thi đều đạt điểm nghiên cứu khoa học từ 2,5 trở lên, đủ điều kiện xét danh hiệu giảng viên dạy giỏi và giảng viên dạy giỏi xuất sắc. Trong đó, 119 giảng viên đạt điểm nghiên cứu khoa học từ 5 trở lên, nổi bật là giảng viên Trần Thị Thúy Ngọc (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) đạt 45,25 điểm; giảng viên Trần Hải Hà (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) đạt 34,75 điểm…