Tiếp tục câu chuyện về tình cảm của gia đình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Elisabeth Helfer Aubrac nhớ lại: “Với tôi, Bác Hồ vô cùng gần gũi giống như một người thân trong gia đình. Trong ký ức của tôi, không hề có chuyện là vào một hôm, cha mẹ nói với tôi rằng tôi có một người cha đỡ đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không, không hề có chuyện đó. Bác Hồ luôn ở đó, giống như một người bác hay người chú trong gia đình chúng tôi”.Bác Hồ và gia đình Raymond Aubrac những ngày ở Soissy-sous-Monmorency (Pháp). Ảnh: TTVH
|
Bà Aubrac cho biết do cha thường xuyên đi công tác nên những câu chuyện về Bác Hồ chủ yếu do bà ngoại và mẹ của bà kể lại. “Từ nhỏ tôi đã nhận thức được rằng tôi có một người cha đỡ đầu là Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam. Bác Hồ ở rất xa, vô cùng bận bịu vì đang phải chiến đấu gian khổ để giành lại độc lập cho Việt Nam. Lớn lên một chút, tôi đã vẽ tranh và sau đó là viết thư gửi cho Bác. Tôi cũng thường xuyên nhận được những dòng thư ngắn, những lời nhắn của Người. Mỗi khi cha tôi đi công tác từ Việt Nam về, ông đều mang theo lời nhắn của Bác: “Hãy ôm hôn Babette giùm tôi”. Babette là tên gọi thân mật của tôi trong gia đình”, bà giải thích.
Bà cũng kể về những kỷ vật mà Bác Hồ đã tặng gia đình bà. Chỉ tay lên bức tranh màu nước nhỏ đã nhạt màu theo năm tháng được treo trang trọng trong phòng khách bà nói: “Đây là bức tranh “Lòng mẹ” của họa sĩ Vũ Cao Đàm mà Bác Hồ đã tặng cha tôi vào ngày 31/7/1946, ngày sinh nhật lần thứ 32 của ông. Bác Hồ cũng đã tặng tôi quả cầu nhỏ bằng ngà voi được trạm trổ tinh xảo khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời và mảnh vải lụa Hà Đông khi tôi chuẩn bị kết hôn. Mảnh vải lụa màu trắng ngà đó rất đẹp, nhưng tôi đã không dám sử dụng nó vì sợ thợ may cắt hỏng. Đây là những kỷ vật vô cùng thiêng liêng đối với chúng tôi”.
Không chỉ dừng lại ở ký ức tuổi thơ, bà còn kể về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi khi cùng với hàng nghìn người Pháp, đặc biệt là thanh niên sinh viên, xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Theo bà, phong trào ủng hộ Việt Nam tại Pháp khi đó rất mạnh, đặc biệt là lúc Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Các cuộc biểu tình, tuần hành đông hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người thường xuyên được tổ chức giữa trung tâm Paris. Những người biểu tình tay giương cao ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hô vang “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”. Phong trào đấu tranh đó không chỉ ở Pháp mà còn lan rộng ra thủ đô và các thành phố lớn của nhiều nước.
Nhắc đến thời điểm Bác Hồ đi xa, giọng bà chùng xuống. Bà xúc động nói: “Chúng tôi có cảm tưởng như mất một người thân yêu trong gia đình. Đây là một thời điểm hết sức khó khăn và nặng nề đối với nhân dân Việt Nam và gia đình chúng tôi. Khi đến viếng Người tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, chúng tôi thấy một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to có dải băng đen phía trước. Cán bộ và nhân viên Đại sứ quán đứng bất động như những pho tượng. Họ quá đau buồn trước tổn thất to lớn. Không ai có thể hình dung nổi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa mà không kịp nhìn thấy nước nhà thống nhất”.
Theo bà, trong suy nghĩ của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, Hồ Chí Minh là “ngọn đuốc” của tinh thần độc lập và tự do, là hình ảnh tượng trưng cho tương lai và hy vọng. Người còn là hiện thân cho một triết lý sống đậm chất nhân văn, luôn thấu hiểu và chia sẻ. Hồ Chí Minh cũng là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, bà không quên nhắn gửi: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các bạn một di sản tinh thần to lớn cùng lời nhắc nhở là phải làm sao để người dân được ăn no mặc ấm, trẻ em được học hành, đất nước ngày một dân chủ và phát triển. Thực hiện được ước vọng đó là điều không hề đơn giản. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cần phải tiếp tục đổi mới. Tương lai của một đất nước là lớp trẻ. Các bạn đang có trong tay vốn quý là thế hệ thanh niên có trình độ, có hiểu biết, khát khao được cống hiến. Cần phải quan tâm bồi dưỡng để họ phát huy khả năng, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, đúng như Bác Hồ hằng mong ước.
Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)