APEC 2017: Nhìn lại một chặng đường sôi động, hiệu quả

Chỉ còn vài ngày nữa, thành phố Đà Nẵng xinh đẹp bên bờ biển miền Trung của Việt Nam sẽ là nơi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC, sự kiện đỉnh cao của Năm APEC 2017, sự kiện quan trọng nhất trong năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”, “Thành phố của lễ hội và sự kiện”, với những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ, kinh nghiệm tổ chức những sự kiện quốc tế lớn cùng sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện mọi mặt… Đà Nẵng tự tin và nồng nhiệt chào đón các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, bạn bè quốc tế đến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 từ ngày 6-11/11/2017.

Các lực lượng diễu hành tại Lễ xuất quân diễn tập phương án bảo vệ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Giới thiệu đặc sắc Việt Nam với thế giới

Ngay trước Tuần lễ Cấp cao, nhìn lại năm 2017, có thể thấy, APEC đã trải qua một chặng đường đầy sôi động và hiệu quả. Với Việt Nam, việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một trọng tâm công tác đối ngoại trong năm, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm, chủ động đóng góp cho tiến trình APEC. Đây cũng là dịp quảng bá du lịch, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc, tiềm năng, nhân văn và mến khách.

Từ đầu năm đến nay, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân cả nước đã tích cực vào cuộc, chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho các hoạt động của APEC. Hàng trăm cuộc họp, hội nghị của APEC đã diễn ra liên tục, trên khắp cả nước cùng hàng chục nghìn lượt đại biểu tham dự... qua đó tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn, mến khách. Lợi ích của việc đăng cai tổ chức APEC chưa thể đo đếm ngay được nhưng đã góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền trong tương lai.

Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), nơi có một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, cũng là nơi diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) -  sự kiện mở đầu cho Năm APEC 2017 đầy sôi động và hiệu quả. Nhiều hoạt động quan trọng đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội như Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và một số cuộc họp liên quan tại Ninh Bình - quê hương của cố đô Hoa Lư, thành phố Hạ Long của Quảng Ninh, nơi có kỳ quan thiên nhiên thế giới. Qua đó, giới thiệu đến bạn bè quốc tế vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố Anh hùng, "Thành phố vì hòa bình", cũng như nét thanh lịch, tài hoa của người Tràng An, những đặc sắc văn hóa và thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nơi diễn ra Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan. Với 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại, các ủy ban, nhóm công tác của APEC đã bàn thảo về nhiều vấn đề thiết thân đối với khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, như tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực tham gia hội nhập kinh tế…

Không phải là ngẫu nhiên, Hội nghị về lĩnh vực an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại Cần Thơ - thành phố đầu tàu của vùng trọng điểm phía Nam về phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang đậm bản sắc miệt vườn sông nước… Hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp phụ nữ và kinh tế trong APEC” năm 2017 được tổ chức tại thành phố Huế với khoảng 800 đại biểu là đại diện lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế tham dự. Đây là dịp để quảng bá những đặc sắc văn hóa, con người xứ Huế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương quảng bá thương hiệu, kết nối và học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp, đối tác quốc tế.

Việc tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão số 10, là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ mới, đồng thời vận động hỗ trợ và mở rộng hợp tác; cùng xây dựng kế hoạch, định hướng trong công tác phòng chống thiên tai tại các nền kinh tế APEC, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát, tăng cường sự chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Hay thành phố Hội An, thương cảng cổ xưa thuộc tỉnh Quảng Nam, là địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, với nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch, nơi tụ họp các vị Bộ trưởng Tài chính, Kinh tế của các nền kinh tế thành viên, cùng đại diện các định chế tài chính tín dụng quốc tế...

Nhiều đề xuất, sáng kiến được đánh giá cao

Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất chủ đề cho Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017 bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ đề và các ưu tiên của APEC trong năm 2017 không những phù hợp với các quan tâm chung, mà còn đáp ứng lợi ích của Việt Nam và ASEAN, bởi vậy đã tạo được sự đồng thuận cao của các thành viên APEC, được nhiều tổ chức khu vực và toàn cầu quan tâm, ủng hộ.

Đảm nhận tốt công tác chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác của APEC, tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn chính sách, Việt Nam đã phát huy vai trò chủ nhà trong việc khởi xướng, dẫn dắt và điều phối để hợp tác APEC đem lại những kết quả thực chất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa chủ đề và các ưu tiên hợp tác APEC năm 2017. Nhiều đề xuất, sáng kiến cụ thể do Việt Nam đưa ra đã được các nền kinh tế thành viên ghi nhận, đánh giá cao.

Đáng chú ý là sáng kiến “Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” nhằm định hướng chính sách cấp cao tăng cường hợp tác khu vực về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Sáng kiến “Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới” nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, dễ dự báo và nhất quán cho các giao dịch thương mại điện tử.

Sáng kiến “ Kế hoạch hành động nhiều năm về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu” nhằm nâng cao năng suất và thu nhập từ nông nghiệp; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính khi có thể; nhấn mạnh an ninh lương thực là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, là yếu tố quyết định quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Các sáng kiến về “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo”; “ Chiến lược APEC về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo” do Việt Nam xây dựng và đề xuất đã được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.

“Chương trình hành động về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội”; “Bộ kinh nghiệm điển hình của APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là những sáng kiến quan trọng của Việt Nam, thu hút được sự đồng tình, ủng hộ và thống nhất cao của các nền kinh tế thành viên. Đáp ứng được nguyện vọng của các nền kinh tế trong khu vực và của Việt Nam, các sáng kiến này đã tạo được nhận thức chung của các thành viên và các bên liên quan về việc cần có Chương trình tổng thể của APEC phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, tạo sự cộng hưởng, bổ trợ lẫn nhau trong thời gian tới.

Với chủ trương đối ngoại kiến tạo, chủ động, tích cực hội nhập, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trong năm 2017, Việt Nam đã triển khai các chương trình, sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực, góp phần làm sâu rộng liên kết kinh tế khu vực, nâng cao năng lực và sáng tạo của các doanh nghiệp, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững...

Những thành công tốt đẹp của các hoạt động Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao sắp tới, Việt Nam mong muốn cùng các thành viên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt trong khu vực, làm cho hợp tác APEC ngày càng mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu dài hạn của APEC xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển, thịnh vượng, góp phần nâng cao vai trò tiên phong của APEC trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang định hình.


Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Ngành hàng không chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017
Ngành hàng không chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, APEC 2017 là sự kiện chính trị hết sức quan trọng đối với đất nước. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự phối hợp chuẩn bị rất chu đáo và chặt chễ để tổ chức thành công sự kiện này. Riêng ngành hàng không đã có sự chuẩn bị triển khai cho sự kiện APEC 2017 trước đó 1 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN