Áp dụng các biện pháp tố tụng để đảm bảo thu hồi tài sản Nhà nước

Thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập các Đoàn kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngày 29/11, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch kiểm tra tại Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn.

Đảm bảo thu hồi tài sản nhà nước

Mục đích, ý nghĩa của đợt kiểm tra để đánh giá đúng về tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, từ đó có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.

Cũng thông qua công tác kiểm tra và thực tiễn công tác thu hồi tài sản để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách về thu hồi tài sản, từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh thể chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm thực thi công lý, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cho Nhà nước và nhân dân.

Thời gian kiểm tra từ 1/1/2013 - 30/9/2018 và các bản án, quyết định của Tòa án trước ngày 1/1/2013 nhưng chưa được thi hành xong.

Báo cáo về kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó, có công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về hình sự tham nhũng, kinh tế; xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng tại công an các đơn vị, địa phương...

Trong giai đoạn điều tra, công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại được các cơ quan điều tra quan tâm thực hiện và đạt kết quả ngày càng cao.

Song song với việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra các cấp đã khẩn trương xác định chứng cứ liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt. Khi xác định tài sản có liên quan đến tham nhũng, đã sử dụng đồng bộ các biện pháp, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa các loại tài sản. 

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về hình sự tham nhũng, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi thấp hơn so với tổng thiệt hại mà các đối tượng chiếm đoạt và gây thất thoát; hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền thu lợi bất chính hoặc có nhiều thủ đoạn che giấu tài sản như để người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền, tẩu tán tài sản ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc xác định cũng như thu hồi tài sản.

Hiện, việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, kê khai mới dựa vào tự giác, cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh các bản kê khai, do đó việc xác định tài sản của người tham nhũng để tiến hành kê biên, phong tỏa gặp nhiều khó khăn… 

Nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc là do đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra cũng như cất giấu tài sản, hợp lý hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Nhận thức, trách nhiệm của Cấp ủy, thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa cao, chưa thực sự cương quyết trong phòng, chống tham nhũng.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, một bộ phận điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm, trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp của các ngành tư pháp Trung ương và địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán trong đánh giá chứng cứ…

Còn theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm; quán triệt việc xét xử phải đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản Nhà nước, tăng cường áp dụng hình phạt bổ sung, biện pháp kê biên tài sản…

Báo cáo của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế, chủ động đề ra các yêu cầu xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án xác minh áp dụng biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, không để đối tượng bỏ trốn, tẩu tán, che giấu hợp pháp tài sản tham nhũng.

Đặc biệt, trong các vụ án tham nhũng lớn xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vụ Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Phấn…, Viện Kiểm sát đã đóng vai trò quyết định trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng để đảm bảo thu hồi tài sản Nhà nước.

Tìm hướng giải quyết đối với việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật

Hội nghị công bố kế hoạch kiểm tra tại Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong giai đoạn điều tra, việc kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng phạm tội có ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu không làm tốt, chắc chắn các đối tượng sẽ tẩu tán tài sản, dùng thủ đoạn biến hóa, việc xử lý sẽ khó khăn, do vậy, cần có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn. 

Phó Thủ tướng cho rằng, Đảng ủy công an Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng; quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác thu hồi tài sản trong toàn lực lượng.

Công tác thu hồi tài sản được các đơn vị thực hiện quyết liệt, với số tiền phải thu hồi ngày càng lớn. Trong đó, 9 tháng năm 2018 lên đến trên 6.000 tỷ đồng và nhiều tài sản khác, các lực lượng trong toàn ngành đã thu hồi đạt tỷ lệ cao, trong đó có vụ thu được số tài sản rất lớn, đạt tỷ lệ 100%.

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra nhận thấy cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung để hoàn chỉnh Báo cáo như: bổ sung nội dung về số tiền, tài sản bị hủy bỏ biện pháp tịch thu, thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; một số nhận định, đánh giá trong báo cáo cần dẫn chứng thêm một số vụ án điển hình; đồng thời, cần xây dựng các biểu phụ lục theo đề cương hướng dẫn, giúp công tác tổng hợp của Đoàn được đầy đủ.

Sau khi nghe báo cáo kết quả tự kiểm tra của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế qua hoạt động xét xử của ngành Tòa án ngày càng được quan tâm, những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực.

Quá trình xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngoài việc giải quyết về tội danh và hình phạt, Tòa án các cấp đã chú trọng kê biên, phong tỏa tài khoản để bảo đảm công tác thu hồi tài sản trong các vụ án. Tuy nhiên, một số bản án đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều năm, có yêu cầu đính chính, giải thích song đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó là vấn đề báo cáo cần phân tích sâu thêm, nhất là tìm ra hướng giải quyết đối với việc thi hành bản án.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá công tác thu hồi tài sản được Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, kiểm sát chặt chẽ, 100% số vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, kiến nghị cơ quan điều tra thực hiện, áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát các cấp đã trực tiếp thu hồi được số tiền lớn trong giai đoạn truy tố, trong đó có đơn vị trong ngành thu hồi được 100% số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong một số vụ án.

Trưởng Đoàn kiểm tra cho rằng, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian, không ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đòi hỏi phải có sự tập trung cao của các thành viên Đoàn công tác, sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy, Ban cán sự Đảng và các cơ quan, đơn vị Đoàn đến làm việc.

Lãnh đạo Đoàn kiểm tra đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đoàn; những tài liệu, hồ sơ vụ án, những vấn đề Đoàn yêu cầu giải trình thêm cần được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm cho công tác kiểm tra đạt kết quả.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng

Sáng 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN