Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám định, định giá của Bộ Y tế

Ngày 22/5, tại Cần Thơ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giám định tư pháp theo vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế, giai đoạn từ 2011 - 2022.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Trên cơ sở nhìn nhận một số hạn chế, vướng mắc, đại diện các đơn vị liên quan đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám định, định giá trong thời gian tới.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ năm 2011 đến nay, theo trưng cầu, yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã tiếp nhận 20 quyết định trưng cầu giám định và 18 yêu cầu định giá tài sản. Đến nay, các Hội đồng đã hoàn thành, ban hành 35/38 kết luận. Sở dĩ có sự chậm trễ là do nội dung định giá chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính; trong khi đó các quy định của Bộ Tài chính về định giá chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến việc Hội đồng gặp khó khăn trong việc thống nhất nguyên tắc cũng như phương pháp định giá. Bên cạnh đó, danh mục của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong một số yêu cầu định giá có nhiều tài sản không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (như máy phun phòng dịch ULV đeo vai cấu hình 2, hệ thống đo thân nhiệt cấu hình 1, máy phun đa năng công suất lớn đặt trên ô tô…)

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. 

Các đại biểu còn chỉ ra một số vấn đề như: Hầu hết cán bộ tham gia Hội đồng giám định tư pháp, định giá tài sản là cán bộ kiêm nhiệm, làm nhiệm vụ chuyên môn lĩnh vực y tế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ giám định, định giá… Trong khi đó, việc định giá tài sản theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra thường do tính chất của vụ án nên có sự thay đổi, bổ sung nhiều tài sản. Vì vậy, việc triển khai nhiệm vụ của Hội đồng thường xuyên phải bổ sung nhiệm vụ, dẫn đến kéo dài thời gian định giá tài sản. Các cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá thường không trao đổi trước mà ấn định thời gian có kết quả không phù hợp với thực tế về nhân sự của Hội đồng, số lượng tài sản cần định giá nhiều…

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị. 

Trên cơ sở phân tích các vướng mắc, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc này. Trong đó, nhấn mạnh đến việc Bộ Tài chính cần chủ trì tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền để thành lập Trung tâm Quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp/định giá tài sản. Trong thời gian chưa thành lập được Trung tâm, nên giao công tác định giá tài sản về đầu mối Bộ Tài chính; các vụ việc liên quan đến đấu thầu giao về Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Bộ Tài chính cần có cơ chế phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định tiêu chí, nguyên tắc cụ thể trong việc chọn mẫu, phương pháp định giá tài sản; cử cán bộ tham gia các Hội đồng định giá tài sản/giám định tư pháp khi có đề nghị của Bộ Y tế… Về phía Bộ Công an, cần có văn bản chỉ đạo Công an các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân cấp trong định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định tư pháp, tránh dồn việc về cơ quan Trung ương. Bộ Công an căn cứ số lượng, chủng loại tài sản cụ thể để có yêu cầu về thời gian kết luận giám định phù hợp với tình hình thực tế.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm đấu thầu y tế
Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm đấu thầu y tế

Khó khăn trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế khiến công tác khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng. Thời gian vừa qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30 được Chính phủ ban hành và gần đây nhất Thông tư 14 cũng được Bộ Y tế bãi bỏ đã cơ bản tháo gỡ được nhiều nút thắt. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là nhiều vật tư y tế không tìm được nguồn cung ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN