TP Hồ Chí Minh: Đề nghị khởi tố các đơn vị chậm, trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị phối hợp thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) theo điều 216 Bộ luật Hình sự.

Chú thích ảnh
Việc doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đang ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động tại TP Hồ Chí Minh.

Trước tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng BHXH chiếm tỷ lệ cao, UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo yêu cầu cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an thành phố thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp số 5841/QCPH-CATP-BHXH TP ngày 8/7/2022.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu hai đơn vị này thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố các đơn vị chậm, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT theo điều 216 Bộ luật Hình sự; hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN theo tiến độ.

Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 82.258 đơn vị, với số tiền chậm đóng là 6.222 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,26% so với kế hoạch thu. Cụ thể, có 40.394 đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng với số tiền hơn 1.632 tỉ đồng; 7.273 đơn vị chậm đóng từ 3 - 6 tháng với số tiền hơn 423 tỉ đồng; 5.113 đơn vị chậm đóng từ 6 đến dưới 12 tháng với số tiền gần 570 tỉ đồng.

Đáng chú ý, có đến 29.478 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền là 3.392 tỉ đồng, chiếm 54,52% tổng số tiền chậm đóng; trong đó, có 26.609 đơn vị chậm đóng từ 24 tháng trở lên với số tiền chậm đóng là 2.874 tỉ đồng. Thậm chí, có 582 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng từ 1 tỉ đồng trở lên, tổng số tiền chậm đóng là 2.168 tỉ đồng.

Để chính sách BHXH phát huy hiệu quả với vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, kịp thời xử lý các vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu BHXH TP Hồ Chí Minh chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp với UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và BHXH thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và giải quyết chi trả các chế độ chính sách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Mặt khác, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh thông báo tình hình chậm đóng của doanh nghiệp cho Công đoàn cơ sở để thông tin lại cho người lao động được biết và tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời, không để tình trạng chậm đóng bảo hiểm quá lâu và quá lớn.

Được biết, từ năm 2018, khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực, các doanh nghiệp cố tình vi phạm như trốn đóng BHXH, nợ lâu, gian lận, trục lợi bảo hiểm… sẽ bị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án xử lý. Nếu người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ bị phạt tiền, thậm chí có thể bị đi tù cao nhất là 7 năm.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cảnh báo trang web giả mạo Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Cảnh báo trang web giả mạo Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Qua công tác theo dõi, giám sát, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát hiện trên không gian mạng có trang web giả mạo Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam với tên miền là dichvucongbaohiemxahoi.com. Trang web này có tên miền và giao diện gần giống với Cổng dịch vụ công ngành BHXH tại địa chỉ dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN