Đại diện BHXH tỉnh Thái Bình khẳng định, đơn vị không có chủ trương nhắn tin, gọi điện trực tiếp yêu cầu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người dân cung cấp thông tin cá nhân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm, hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình đang triển khai hướng dẫn người tham gia cung cấp số định danh cá nhân, Căn cước công dân để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua đơn vị quản lý.
Do đó, người dân nếu có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc vướng mắc cần tư vấn nên liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Ngoài ra, người dân có thể liên lạc qua các kênh thông tin chính thức về chính sách, pháp luật và tư vấn, hỗ trợ người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình như: Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh Thái Bình (https://thaibinh.baohiemxahoi.gov.vn); trang Fanpage của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình (đã được cấp tích xanh của Facebook); trang Zalo có địa chỉ: Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình; tổng đài chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam số 19009068.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình, 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển mở rộng người tham gia. Nhờ đó, toàn tỉnh có 231.872 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 57.183 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 1.706.914 người tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ đạt 90,9% dân số của tỉnh. Đơn vị đã giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo kịp thời, đúng quy định với số tiền gần 3.500 tỷ đồng; thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội, ngoại trú 1.070 tỷ đồng...
Để bảo vệ thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo lấy cắp thông tin, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Bình đã thông báo đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, người tham gia bảo hiểm và người dân đề cao tinh thần cảnh giác; tăng cường cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách, các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên không gian mạng.