Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Việc tập trung ruộng đất cùng với quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, tích tụ và tập trung ruộng đất chưa được quy định cụ thể. Do vậy, cách vận dụng ở các địa phương có rất nhiều khác nhau. Xin Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này và giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để giải quyết vấn đề nêu trên.
Về nội dung chất vấn nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời như sau:
Về quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, trong thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Liên quan đến chính sách tích tụ, tập trung đất đai, pháp luật về đất đai đã có các quy định: Người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn.
Pháp luật đất đai cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp một cách linh hoạt nhằm phù hợp hơn với cơ chế thị trường; điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo mô hình kinh tế trang trại. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, Luật Đất đai năm 2013 quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó và yên tâm đầu tư sản xuất.
Về hạn mức, Luật Đất đai 2013 đã mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất). Đối với doanh nghiệp, pháp luật về đất đai không quy định hạn mức sử dụng đất. Nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp được Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất trên cơ sở dự án đầu tư.
Ngoài các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai, đối với các dự án sản xuất, kinh doanh khác, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để có đất thực hiện dự án.
Bên cạnh những mặt đạt được, thực tế quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn diễn ra chậm; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, trong đó, thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp và còn một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Một số giải pháp
Ban Chấp hành Trung ương đang sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Những bất cập, khó khăn trong tích tụ, tập trung đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp đã được phân tích, đánh giá trong dự thảo Báo cáo sơ kết Nghị quyết của Trung ương. Trên cơ sở kết luận chỉ đạo của Trung ương về sơ kết Nghị quyết số 19, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại về chính sách, pháp luật liên quan đến quá trình tích tụ, tập trung đất đai để thể chế hóa đầy đủ nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương qua quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp như: Hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ, gia đình, cá nhân; điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế để sản xuất nông nghiệp; chính sách về tài chính đất đai, giá đất; cơ chế chính sách để người sử dụng đất linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả theo các dự báo thị trường; chính sách thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển minh bạch và hiệu quả để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai theo cơ chế thị trường.
Nghiên cứu đề xuất về cơ chế, nguồn vốn, nâng cao năng lực của tổ chức thực hiện vai trò trung gian trong quan hệ giữa nhà đầu tư và người có quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất phục vụ cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trên cơ sở đó để hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp...) cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế, tình hình thực tế của địa phương; trong đó cần chú ý vai trò chủ lực của doanh nghiệp để tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp; quan tâm, tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông nghiệp, nông thôn.