Sơn La thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

Năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La được giao chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 148,2 tỷ đồng; trong đó chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 120 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 25 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 2,6 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch là 600 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Gia đình bà Ngô Thị Xẻ (tiểu khu 9, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu) được vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã phục hồi, tái đàn lợn sau đại dịch. 

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sơn La Tạ Văn Toàn cho biết, để thực hiện tốt việc giải ngân vốn vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đơn vị đã tích cực rà soát các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để đáp ứng. Cùng với đó là làm tốt tuyên truyền và thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2022 và 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại ngân hàng. Đồng thời, làm tốt việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để nguồn lực của nhà nước đến đúng với các đối tượng được thụ hưởng.

Đến cuối tháng 8/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã giải ngân được 100% vốn giải quyết việc làm; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch và cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay trên 17 tỷ đồng đối với chương trình nhà ở xã hội.

Gia đình bà Ngô Thị Xẻ ở tiểu khu 9, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu có trang trại nuôi lợn thời điểm cao nhất lên tới 100 con. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong thời gian dài với giá bán thịt lợn hơi thấp, cùng với khó khăn trong tìm đầu ra và sức ép duy trì đàn nuôi khiến gia đình bà phải chịu thua lỗ. Sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay bà Xẻ rất phấn khởi vì việc chăn nuôi của gia đình được thuận lợi hơn.

Bà Ngô Thị Xẻ cho hay, do tác động của dịch COVID-19, mất mấy tháng gia đình bà không làm ăn, kinh doanh được, việc chăm sóc đàn lợn cũng không được chu toàn, nguồn vốn rất ít, có lúc không đủ để mua thức ăn chăn nuôi. Khi được biết đến nguồn vốn cho vay vốn phát triển chăn nuôi, bà đã làm đơn và vay được 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ nguồn vốn này mà gia đình bà đã với bớt được khó khăn, để tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn lợn như trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Chú thích ảnh
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế sau đại dịch. 

Cùng với gia đình bà Ngô Thị Xẻ, trên địa bàn huyện Thuận Châu đã có hàng trăm hộ dân được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác và các phòng, đơn vị có liên quan triển khai, rà soát và tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đối với các chương trình thuộc diện hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong năm 2022 và 2023. Đến đầu tháng 9/2022, đơn vị đã giải ngân được 15 tỷ 580 triệu đồng, nguồn vốn đến với các đối tượng thu hưởng đúng, đủ, kịp thời.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu Lê Xuân Tuyền cho biết, đơn vị đã triển khai đến 100% đối tượng thuộc chương trình cho vay mua máy tính đối với học sinh, sinh viên và cơ sở ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch. Đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thì nhu cầu trong toàn huyện rất lớn, tuy nhiên, với nguồn vốn đã được giải ngân cũng đã cơ bản giúp các hộ cấp thiết nhất vượt qua khó khăn.

Nhằm chăm lo đảm bảo cuộc sống cho các đối tượng chính sách và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sơn La đã có nhiều giải pháp kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tới người dân. Đến cuối tháng 8/2022, đơn vị đã giải ngân vốn vay cho 328 khách hàng với gần 22,7 tỷ đồng; trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân cho 306 khách hàng với tổng số tiền 15,27 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đã giải ngân cho 17 khách hàng với số tiền 7,2 tỷ đồng. Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, đã giải ngân cho 5 khách hàng, đạt 100%...

Chú thích ảnh
Sau khi được Ngân hàng giúp đỡ, em Quàng Văn Trường (bản Muông, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La) đã có máy tính để học tập. 

Gia đình em Quàng Văn Trường ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La có hoàn cảnh rất khó khăn, không có đất sản xuất. Bố, mẹ em đều không có việc làm ổn định, nguồn thu nhập chỉ dựa vào số tiền ít ỏi từ công việc làm thuê theo thời vụ. Là anh cả trong gia đình, ngoài thời gian đi học, em phải giúp bố mẹ chăm sóc 3 em nhỏ, do đó việc học tập bị ảnh hưởng. Được hỗ trợ từ chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, việc học tập của em đã thuận lợi hơn.

Em Quàng Văn Trường vui mừng chia sẻ, do hoàn cảnh của gia đình em rất khó khăn, không có điều kiện để mua máy tính dùng để học tập và tìm hiểu kiến thức. Sau khi được các đơn vị, ngân hàng giúp đỡ, em đã mua được máy tính để phục vụ học tập, bây giờ em đã biết sử dụng máy tính soạn thảo văn bản và học tập tốt hơn.

Có thể khẳng định, chính sách ưu đãi từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là nguồn vốn rất quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội trước bối cảnh nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua.

Bài, ảnh: Quang Quyết (TTXVN)
Hai mươi năm làm tín dụng chính sách xã hội bằng cả trái tim
Hai mươi năm làm tín dụng chính sách xã hội bằng cả trái tim

Chính thức ra đời và đi vào hoạt động ngày 4/10/2002, hành trình 20 năm làm “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầy gian khó, thấm đẫm những giọt mồ hôi và đôi khi có cả nước mắt của hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên, người lao động trong hệ thống. Song, nhiều hơn cả là những nụ cười, những niềm vui đong đầy khi nhìn đồng vốn mỗi ngày đơm hoa kết trái ngọt cho đời, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với muôn nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN