Nâng cao năng lực xử lý tội phạm tham nhũng và rửa tiền cho cán bộ thực thi pháp luật

Từ ngày 5 - 7/10, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ án tham nhũng” cho đối tượng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên và thanh tra viên của Ngân hàng Nhà nước một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Chú thích ảnh
Các học viên tham gia lớp tập huấn. 

Tại hội nghị tập huấn, chuyên gia nhận định, tội phạm tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Tính chất, mức độ của tội phạm tham nhũng là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Tập huấn nhằm nâng cao năng lực xử lý tội phạm tham nhũng và rửa tiền cho các cán bộ thực thi pháp luật và tập trung vào những mục tiêu: Xác định tội phạm; triệt phá hành vi phạm tội; điều tra; truy tố; thu hồi tài sản. Với các nội dung chính gồm: Kỹ thuật che giấu tài sản; thủ đoạn hối lộ, tham nhũng; các chiến lược và kỹ thuật điều tra; truy vết ngân sách, tài sản ở nước ngoài.

Các chuyên gia cũng giới thiệu và truyền tải nội dung các tài liệu tập huấn chuyên sâu về nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ án tham nhũng. Đồng thời, các đại biểu được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến loại tội phạm này.

Chú thích ảnh
Ông Chris Douglas, Chuyên gia tư vấn cho Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), giảng viên khóa tập huấn. 

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng ở Việt Nam cho thấy, hình thức tội phạm tham nhũng chủ yếu vẫn thông qua các hành vi tham ô, hối lộ, lộng quyền, sách nhiễu, dùng quyền lực để mưu lợi cá nhân, dùng tài sản công vi phạm pháp luật, thao túng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực. Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng và phức tạp, được hình thành bằng nhiều cách: kết cấu bên trong, móc ngoặc ngoài nước cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật phức tạp đã làm cho hoạt động tham nhũng ngày một trở nên khó phát hiện; tập trung vào nơi có tiền bạc, nguồn lực, quyền hạn, hợp đồng, tài chính, chức vụ, cơ hội...

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khóa tập huấn. 

Tham nhũng có tác động lớn đối với quốc gia, tổ chức và cá nhân vì nó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tích lũy của cải. Nó có thể làm suy yếu các thể chế và con người; nếu không được kiểm soát có thể đe dọa sự tồn vong của một chính phủ. Tham nhũng và rửa tiền có mối quan hệ cộng sinh. Rửa tiền cho phép tội phạm tham nhũng đưa số tiền thu được từ tội phạm vào nền kinh tế hợp pháp và cho phép chúng hưởng lợi từ hành vi phạm tội.

Thông qua đợt tập huấn, các học viên được trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức mới, cần thiết liên quan đến việc giải quyết tội phạm tham nhũng, góp phần nâng cao kỹ năng xử lý tội phạm tham nhũng.

Tin, ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Cử tri Quảng Nam kiến nghị đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cử tri Quảng Nam kiến nghị đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 6/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam do ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, đã tiến hành tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với cử tri các xã Quế Long, Quế An, Quế Phong và thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN