Công nhận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

Một góc trung tâm thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Nghĩa Hưng là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Tây-Nam của tỉnh Nam Định. Tổng diện tích tự nhiên 258,89 km2, có 25 đơn vị hành chính, gồm 22 xã và 3 thị trấn với dân số (năm 2016) là 179.889 người.Nghĩa Hưng có vị trí địa lý, địa hình thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, tài nguyên… khá thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là lợi thế quan trọng để huyện bứt phá về đích nông thôn mới.

Về sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30-100 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 3.400 ha; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Về y tế - văn hóa - giáo dục, Nghĩa Hưng có 2 bệnh viện đa khoa được xếp bệnh viện hạng III và Trung tâm y tế được xếp loại đơn vị y tế hạng III. Nhà văn hóa trung tâm huyện được xây dựng với tổng diện tích 5.267m2 đáp ứng được yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa - chính trị - xã hội của huyện. Huyện có tỷ lệ trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh, 4/6 trường THPT đã đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/người, ước năm 2017 đạt 39,8 triệu đồng/người.

Đến tháng 4/2017, huyện đã có 25/25 xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 100% số xã, thị trấn đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 6/2017, Nghĩa Hưng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Về quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch của huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện đến 30/6/2017 là 2.301,222 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ công trình cơ sở hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư 1.310, 265 tỷ đồng; nguồn do xã, thị trấn làm chủ đầu tư 990,975 tỷ đồng. Vốn nhân dân đóng góp chiếm 24,6%.

Nghĩa Hưng là huyện thứ hai trong tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện xác định tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí cấp xã, 9 tiêu chí huyện nông thôn mới; phấn đấu các xã xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu; đến năm 2020, toàn huyện có từ 2-3 xã nông thôn kiểu mẫu.

TTXVN/Báo Tin tức
Nghệ An có 152/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nghệ An có 152/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2018 tỉnh Nghệ An đặt mục có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thực hiện Đề án đưa huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN