Đối tượng được hỗ trợ là học sinh đang học kỳ 1 năm học 2018 - 2019 tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016 ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ 15 kg/tháng/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.
Để số gạo hỗ trợ kịp thời đến với các học sinh vùng khó khăn, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm đóng bao thuận lợi, vận chuyển và giao gạo hỗ trợ học sinh tại điểm trường theo đúng quy định.
Các huyện, thị xã và đơn vị được hỗ trợ gạo phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa trong công tác giao, nhận gạo hỗ trợ; cấp gạo hỗ trợ kịp thời cho học sinh, đảm bảo đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa thẩm định dự toán kinh phí vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các điểm trường chính của các nhà trường do Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa lập, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện việc hỗ trợ gạo cho học sinh.
Trước đó, năm học 2017-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 2.644 tấn gạo tới học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học Phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116/2016 của Chính phủ, với mức hỗ trợ 15kg/tháng/học sinh.
Sau trận lũ quét lịch sử từ ngày từ ngày 28 đến ngày 31/8 vừa qua, các địa phương miền núi Thanh Hóa chịu nhiều thiệt hại. Hàng nghìn hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà, tài sản quý giá mà bà con cũng bị trôi theo dòng lũ. Bên cạnh đó, hàng chục ngôi trường cũng bị sập và hư hỏng nặng.
Riêng huyện vùng cao Mường Lát một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản sau lũ quét, năm học 2018-2019 toàn huyện có tới 15 trường, điểm trường học trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhiều trang thiết bị dạy và học bị vùi lấp. Đời sống và điều kiện học tập của các em học sinh vùng cao Thanh Hóa trong năm học này gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách có ý nghĩa thiết thực, góp phần giảm bớt và chia sẻ khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường, duy trì tỷ lệ học sinh đến trường, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục miền núi Thanh Hóa...