Cần nâng cao kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và kinh tế cho người dân.

Nước lũ đổ về phá hủy nhiều công trình giao thông, thủy lợi tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái sáng 11/10/2017. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Dù các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai nhưng có một giải pháp quan trọng cần được triển khai mạnh hơn nữa là kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai của người dân, chính quyền cơ sở. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng về vấn đề này.

Ông có thể đánh giá về diễn biến và mức độ ảnh hưởng của thiên tai gây ra tại Việt Nam?


Việt Nam có hệ thống sông, suối dày đặc trên cả nước, và ở vùng hạ du của 2 con sông lớn. Cho nên, Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn phải ứng phó với các thiên tai. Lịch sử phát triển đất nước luôn gắn với công việc "trị thủy", chống chọi với hạn hán, bão, lũ... Đó là các thiên tai rất phổ biến.

Trong thời gian gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp hơn. Theo phân tích của các nhà khoa học, tác động của biến đổi khí hậu trước mắt gây ra làm gia tăng các khả năng thiên tai; cường độ của thiên tai cũng có xu hướng tăng, không những ở Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, các thiên tai như lũ lụt, rét đậm rét hại, nắng nóng... cường độ cũng rất cao. Bên cạnh đó, khả năng xuất hiện dày đặc hơn, tất nhiên việc này còn phải xem xét rất kỹ, như người ta nói là tần suất, số lượng xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian, diễn biến, địa điểm thiên tai cũng thay đổi. Đó là những vấn đề đặt ra thách thức rất lớn.

Những tác động của phát triển kinh tế - xã hội ở một số mặt nào đó còn thiếu bền vững cũng là một nguyên nhân làm gia tăng các rủi ro thiên tai, hoặc là xuất hiện những thiên tai mới. Rõ ràng, chúng ta thấy rằng sự phát triển tại thượng nguồn sông Mê Kông với các hồ chứa giữ lại phù sa bùn cát, là một trong những nguyên nhân gây ra sói lở bờ sông, bờ biển, cộng với việc khai thác cát quá mức.

Mặc dù, chúng ta đã rất nỗ lực trồng rừng, phát triển bảo vệ rừng, tuy nhiên một số nơi rừng nguyên sinh (rừng có lớp phủ dày) đã giảm đi, tức là chuyển sang rừng sản xuất, nhưng giữ nước kém, cũng là nguyên nhân làm gia tăng lũ, hạn hán. Và còn nhiều nguyên nhân khác do phát triển thiếu bền vững, làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Rõ ràng, trong 2 năm (2016 - 2017) đã bộc lộ tất cả các dạng hình thiên tai từ hạn hán, lũ lụt, bão lớn, bão xuất hiện tại các vùng ít có bão (Khánh Hòa trở vào), áp thấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hay lũ cực lớn tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ; sạt lở lớn tại miền núi phía Bắc, rét đậm rét hại...

Vậy xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó biến đổi khí hậu là gì?

Hiện nay, chúng ta phải nhận dạng những vấn đề vừa là trước mắt, vừa là dài hạn; trước hết là thiên tai tại một số vùng có đặc trưng khác nhau. Đối với khu vực miền núi phía Bắc thì thiên tai là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đây là các vấn đề cần tập trung giải quyết. Khu vực đồng bằng sông Hồng thì gắn với bão lớn, liên quan đến ngư dân hoạt động trên biển, ven bờ, úng ngập. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kịch bản lũ lớn trên sông Hồng.

Tại các tỉnh miền Trung, đây là khu vực thiên tai diễn ra thường xuyên, Bộ cũng đang xây dựng đề án ứng phó với bão lớn, siêu bão; đề án nâng cao năng lực ứng phó với lũ tại các lưu vực sông và cũng là nâng cao khả năng ứng phó với hạn. Tại khu vực Tây Nguyên cũng vậy, nâng cao năng lực chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm.

Còn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rõ ràng thích ứng với biến đổi khí hậu là giải quyết các vấn đề như hạn hán, lũ và cũng phải nâng cao năng lực ứng phó với bão vì có xu thế diễn biến phức tạp hơn trong giai doạn vừa qua.

Như vậy, để giảm nhẹ rủi ro thiên tai gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thì đó là cả một hệ thống các hành động lớn. Do đó, chúng ta phải đưa các hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hành động thích ứng biến đổi khí hậu vào trong tất cả các ngành, các cấp thì mới có thể làm được mục tiêu giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch gì để giảm thiểu rủi ro thiên tai trong thời gian tới, thưa ông?


Sau Luật Phòng chống thiên tai (năm 2013), hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai đang xây dựng các kế hoạch cho từng vùng một; ưu tiên các rủi ro thiên tai có tính chất phổ biến ở vùng đó. Từ đó, tìm mọi biện pháp để huy động các nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rủi ro thiên tai.

Hiện nay, kế hoạch đối phó với thiên tai rộng khắp cả nước, nhưng cũng đưa ra các ưu tiên để thực hiện trước và phù hợp với nguồn lực hiện có. Đặc biệt là nâng cao kỹ năng cua người dân, của chính quyền cấp cơ sở, năng lực dự báo, cảnh báo sớm dể người dân biết được cách phòng, chống...

Thực tế, kỹ năng ứng phó của người dân tại các khu vực ít xảy ra thiên tai là kém. Vậy chúng ta phải cải thiện vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Đúng, chúng ta thấy rằng cộng đồng dễ bị tổn thương là cộng đồng nếu được nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thì sẽ giảm được rủi ro thiên tai. Do vậy, Chính phủ cũng có Đề án 1002 về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

Trong thời gian qua đã huy động rất nhiều nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ hàng ngàn xã trong việc phòng chống thiên tai. Nhưng, qua các thiên tai trong năm 2017 tại khu vực miền núi; qua các thiệt hại của bão tại vùng ven biển Nam Trung Bộ thì thấy rằng, cần phải khẩn trương hơn nữa rà soát các xã, các thôn bản để có thể là tốt hơn vấn đề này; trong đó yêu cầu trọng tâm là nâng cao năng lực cảnh báo sớm để người dân biết; nâng cao kỹ năng của người dân; chính quyền cấp cơ sở...

Xin cảm ơn ông!

Thành Trung/TTXVN (thực hiện)
Cần sự 'vào cuộc' tích cực để khắc phục nhanh hậu quả và tái thiết sau bão lũ
Cần sự 'vào cuộc' tích cực để khắc phục nhanh hậu quả và tái thiết sau bão lũ

Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN