Những năm qua, Sốp Cộp - huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN |
Các địa phương được sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg đã được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2017 - 2020 để chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn theo quy định tại Quyết định 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Ủy ban Dân tộc, với nguồn kinh phí được giao, các địa phương đã triển khai xuống các cấp cơ sở để hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào, nhất là hình thức hỗ trợ tiền mặt. Người dân hộ nghèo đã sử dụng số tiền hỗ trợ để mua sắm những vật dụng cần thiết cho đời sống hoặc những dụng cụ lao động, vật tư để phục vụ cho sản xuất. Đối với các tỉnh lựa chọn hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật hầu hết đã hỗ trợ theo đúng danh mục hỗ trợ hiện vật như: Giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, muối iốt.
Qua 8 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã hỗ trợ trên 40 triệu lượt người, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân thuộc hộ nghèo và phát triển kinh tế, xã hội ở vùng khó khăn.
Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách có ý nghĩa sâu sắc, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi nói chung và vùng khó khăn nói riêng.
Tuy nhiên, do những thay đổi về cơ chế chính sách, sự chuyển mình của nền kinh tế, các chính sách theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg không còn phù hợp cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do giai đoạn trước chính sách thiết kế là hỗ trợ trực tiếp bằng hình thức cho không nên chỉ thích hợp trong thời gian ngắn hạn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững; xuất hiện một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ thực hiện trong thời gian dài, nhưng định mức hỗ trợ không được điều chỉnh, còn quá thấp, chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, chưa đạt mục tiêu chính sách đề ra.
Hiện, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, đã có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khác cho người nghèo vùng khó khăn (Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý...) càng làm cho hiệu quả và ý nghĩa của chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày càng không có ý nghĩa trên thực tế.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay là rà soát, tích hợp, bãi bỏ chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020 nhằm giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…
Từ những yêu cầu này, kết hợp với đề xuất kiến nghị của các địa phương, việc bãi bỏ Quyết định 102 trong giai đoạn này là cần thiết, để lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình chính sách dân tộc khác, đặc biệt là các chương trình, chính sách đang thực hiện tại vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa được bố trí vốn.