Ông Võ Minh Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Võ Minh Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá, hoạt động tín dụng của tỉnh Hậu Giang từ năm 2012 đến 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, tín dụng chính sách của Chính phủ đã được Hậu Giang triển khai một cách trách nhiệm, hỗ trợ tích cực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Hậu Giang là một trong những tỉnh có chất lượng tín dụng khá tốt trong khu vực Tây Nam Bộ, tỉ lệ dư nợ năm sau cao hơn năm trước, tỉ lệ nợ quá hạn năm sau thấp hơn năm trước.
Sau cuộc khảo sát, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chỉ đạo chi nhánh tỉnh Hậu Giang triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ tỉnh Hậu Giang thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho đồng bào ở địa phương; căn cứ vào đối tượng hộ nghèo, đối tượng chính sách của địa phương được điều tra giai đoạn 2016 - 2020 để bổ sung nguồn vốn vay; thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xử lý những vướng mắc nhằm thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả tốt hơn.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên, các chính sách xóa đói giảm nghèo đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Để thực hiện tốt hơn công tác nâng cao chất lượng tín dụng, các tổ chức ủy thác thực hiện cho vay vốn ở cơ sở ngoài việc cho các đối tượng vay còn phải hướng dẫn cho các đối tượng cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Các tổ, ấp có tình trạng nợ xấu phải phối hợp với địa phương để khắc phục tình trạng này. Đồng thời cần chú ý đến các đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cùng đó, Ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay đảm bảo cho vay đúng đối tượng, kiểm soát chặt các khoản vay ngay từ đầu vào; tăng cường kiểm tra sử dụng vốn và đối chiếu dư nợ của người vay nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tiêu cực phát sinh nhất là tình trạng chiếm dụng vốn. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn để có kế hoạch củng cố, sắp xếp lại các tổ kém hiệu quả.
Bên cạnh đó xử lý nợ đến hạn kịp thời, cùng với việc dự báo tình hình nợ quá hạn tiềm ẩn để chủ động có biện phátp xử lý thích hợp, hạn chế tối đa việc chuyển nợ quá hạn.
Trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang, đến 31/12/2016, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là hơn 22 tỷ đồng, giảm hơn 57 tỷ đồng so với đầu năm 2012 (giảm 71,4%). Trong đó, nợ quá hạn là hơn 8 tỷ đồng, nợ khoanh là hơn 14,5 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tất cả các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang đều có tỉ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Lãi tồn đọng đến cuối năm 2016 là hơn 18,7 tỉ đồng, tăng hơn 3 tỉ đồng so với đầu năm 2012. Nợ bị chiếm dụng còn 5 vụ với số tiền hơn 170 triệu đồng, giảm 49 vụ so với đầu năm 2012.
Số lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn tính đến cuối năm 2016 là 2.287 tổ, tăng 76 tổ so với năm 2012. Trong đó có 1.975 tổ xếp loại tốt, tăng 1.713 tổ so với năm 2012.
Doanh số cho vay giai đoạn 2012 - 2016 đạt 2.500 tỷ đồng, với trên 180 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Doanh số thu nợ đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình cho vay tính đến 31/12/2016 là hơn 1.900 tỷ đồng tăng hơn 900 tỷ đồng so với đầu năm 2012.