EURO 2020: Đội tuyển Hà Lan - có còn là 'cơn lốc màu cam' thực thụ?

Đội tuyển Hà Lan may mắn rơi vào một bảng đấu khá dễ chịu với các đối thủ Ukraine, Áo và Bắc Macedonia ở EURO 2020. Họ còn có lợi thế đá cả 3 trận vòng bảng trên sân nhà. Đó là những điều kiện lý tưởng để màu da cam thắm lại trên đấu trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Tiền vệ Hà Lan Marten de Roon nỗ lực khống chế bóng trong trận đấu gặp Ukraine tại vòng chung kết EURO 2020 trên sân ở Amsterdam, ngày 13/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng phải nhìn nhận đúng thực tế rằng việc đội tuyển Hà Lan may mắn thuộc một bảng đấu dễ thở đang là cơ sở hiếm hoi để người hâm mộ "xứ hoa Tulip" hy vọng vào một kỳ EURO “không đến nỗi nào”, có thể tạm quên đi nỗi thất vọng vô bờ về việc đội bóng này không lọt được vào 2 giải đấu lớn gần nhất là EURO 2016 và World Cup 2018. Bởi vì, Hà Lan hiện tại đang có nhiều vấn đề đáng lo từ quân đến tướng.

Trong sự nghiệp cầm quân, HLV Frank De Boer không được đánh giá cao như khi ông còn là cầu thủ. De Boer từng bị Mourinho chế giễu là “HLV kém nhất lịch sử Premier League”, bởi ông đã bị sa thải chỉ sau 5 trận cầm quân tại Crystal Palace hồi năm 2018, với 4 thất bại liên tiếp của câu lạc bộ này ở Premier League mà không ghi nổi bàn nào. Trước đó, De Boer cũng chỉ tại vị được 85 ngày ở Inter Milan, phải ra đi vì cả thành tích kém cỏi lẫn mâu thuẫn với đội bóng. Sang Mỹ hành nghề, ông cũng thất bại khi bị Atlanta United sa thải.

Việc De Boer nắm quyền tại đội tuyển Hà Lan thực sự chẳng ai mong đợi, nhưng người ta chẳng tìm được ai tốt hơn để ngồi vào chiếc ghế mà Ronald Koeman bỏ ngang chừng để tới Barcelona hồi tháng 9/2020. Những ứng viên hàng đầu là Bosz, Ten Hag và Van Gaal đều từ chối, khiến Liên đoàn bóng đá Hà Lan đành phải “nhắm mắt, đưa chân” phó thác vào tay De Boer. Thế nên chẳng ai bất ngờ khi cựu trung vệ Ajax này trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Hà Lan không biết thắng sau 4 trận đầu dẫn dắt đội. Và mặc dù Hà Lan chỉ thua 2 trong 12 trận dưới tay De Boer cho đến hiện tại, sự tin tưởng đặt vào ông vẫn là rất ít.

Vấn đề khiến người yêu bóng đá Hà Lan quan ngại nhất là De Boer đã thay đổi lối chơi vốn đã định hình của người tiền nhiệm, trong đó chủ đạo là đẩy ngôi sao Depay ra cánh trái thay vì đá trung phong cắm dưới thời Ronald Koeman. Với Depay dẫn dắt hàng công, Hà Lan đã chơi hay tại UEFA Nations League 2019 và về nhì giải đấu đó. Nhưng De Boer chuộng mẫu trung phong điển hình cho vị trí “số 9” hơn, bất chấp Hà Lan không hề có một tiền đạo cắm giỏi nào kể từ sau Van Persie.

Đó là lý do ông triệu tập Luuk De Jong và Wout Weghorst, những chân sút cao kều vốn chỉ quen “nằm vùng”, ít có đóng góp vào lối chơi chung. De Jong có phong độ tồi tệ ở Sevilla hai mùa qua, còn Weghorst thiếu kinh nghiệm đội tuyển dù ghi bàn khá đều đặn tại Wolfsburg. Đã 28 tuổi, nhưng trung phong cao 1m97 này mới chỉ khoác áo da cam 6 lần, ghi 1 bàn (ở trận giao hữu thắng Georgia cuối tuần qua).

Đội bóng của De Boer thường chơi bế tắc và chỉ khá lên ở nửa cuối hiệp 2. Trận giao hữu với Scotland, một đội dự EURO 2020, hôm 2/6 vừa qua, Hà Lan phải rượt đuổi cả trận và chỉ thoát thua nhờ cú đá phạt của Depay ở phút 89.

Người Hà Lan đã cầu nguyện cả nửa năm qua để mong Van Dijk kịp bình phục cho EURO, nhưng bất thành. Trung vệ thủ lĩnh của đội sẽ phải đứng ngoài giải đấu, để lại một khoảng trống khó bù đắp, dù vẫn còn đó những trung vệ giỏi như De Ligt và De Vrij. De Boer kỳ vọng rất nhiều vào Daley Blind, nhưng đội phó của Ajax chỉ vừa bình phục chấn thương dài ngày.

Ngay trước thềm EURO, Hà Lan liên tục phải chịu mất mát. Đầu tiên là thủ môn số 1 Cilessen mắc COVID-19 và phải ở nhà. Tim Krul sẽ thay anh, nhưng thủ môn này cả mùa qua chỉ bắt ở giải hạng Nhất nước Anh, còn thủ thành 39 tuổi Stekelenburg chỉ ra sân vẻn vẹn 21 trận kể từ năm 2017. Mới nhất, tiền vệ van de Beek phải rời đội do chấn thương, và De Boer cũng không gọi ai bổ sung.

Dù ở bảng dễ, Hà Lan lại phải đối mặt lịch đấu khá khó chịu. Lượt trận đầu, họ gặp đối thủ mạnh nhất là Ukraine, rồi tới Áo và Bắc Macedonia - đội được cho là yếu nhất. Với khởi đầu là một chiến thắng dù sát nút (3-2), Hà Lan đang được kỳ vọng có thể tận dụng tinh thần hưng phấn để “đạp sóng” tiến bước.

Vĩnh Nguyên (TTXVN)
EURO 2020: Chiến bại của đội tuyển Đức hay của Joachim Loew?
EURO 2020: Chiến bại của đội tuyển Đức hay của Joachim Loew?

Thua nhà đương kim vô địch thế giới - đội tuyển Pháp với tỉ số sát nút 0-1 là kịch bản mà nhiều người hâm mộ đội tuyển Đức đã lường trước, nên thất bại của đội bóng này trong trận ra quân không hẳn là một cú sốc. Tuy nhiên, cách thi đấu của Die Manschaft lại khiến người xem không khỏi lo âu và thất vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN