Theo đó, giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã được yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 28/CĐ-PCTT ngày 11/11/2020 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các cột tháp cao, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt. Lưu ý bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân nơi người dân sơ tán tập trung đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn. Tổ chức thực hiện cấm biển bắt đầu từ 17 giờ ngày 13/11.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có tổng số 3.957 phương tiện với 14.932 lao động. Tính đến 15 giờ ngày 13/11, ngoài một số tàu thuyền đánh bắt gần bờ nắm được thông tin về bão số 13, đã vào nơi tránh, trú bão an toàn tại các âu thuyền như Cửa Hội, Cửa Sót, Kỳ Hà…, hiện có 93 phương tiện với 476 thuyền viên đi đánh bắt xa bờ cũng đã vào nơi neo đậu tránh bão tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận…