Tháng Tư ở đảo Ngọc

Những ngày tháng 4 - tháng cao điểm của đợt khô hạn và nắng nóng kỷ lục năm nay, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn thoáng đãng và dễ chịu nhờ những làn gió biển trong lành và sự chở che của các cánh rừng ngút ngàn, mảng xanh chiếm tới 2/3 diện tích huyện đảo.

Là địa bàn diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - khám phá đất phương Nam” vừa khai mạc vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Phú Quốc đã, đang và sẽ là một đại công trường để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm kinh tế - thương mại - khoa học - công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới vào năm 2020 và tầm nhìn 2030 với nhiều công trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện. Tính đến đầu năm 2016, huyện có 230 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích 10.150 ha. Trong đó, 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn hơn 183.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, kinh tế biển, du lịch, thương mại và dịch vụ.

Khu di tích Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong năm 2015, điểm đến này đón trên 4.000 đoàn với trên 226.500 du khách. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, di tích đã đón 739 đoàn khách với trên 16.800 lượt khách đến tham quan; trong đó có trên 1.800 lượt khách nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Quốc trong những năm qua luôn duy trì ở mức cao và ổn định, bình quân tăng trên 27%. Trong đó, riêng năm 2015 vừa qua, tổng sản phẩm xã hội (GDP) của huyện tăng trên 32%; GDP bình quân đầu người đạt 5.469 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2010. Du lịch vẫn là lĩnh vực kinh tế trụ cột và mũi nhọn của Phú Quốc với doanh thu năm 2015 đạt 3.410 tỷ đồng, tăng trên 52% so với năm 2014 và tăng 6,8 lần so với năm 2010; thu hút hơn 890.600 lượt du khách; trong đó có trên 151.700 du khách quốc tế. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ở Phú Quốc không ngừng được cải thiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%.

Bên cạnh hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch, hồ tiêu là cây trồng đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc, mang lại nguồn thu nhập ổn định và giúp người dân địa phương làm giàu.

Chợ đêm Dinh Cậu, nơi lý tưởng để du khách tham quan, thưởng thức các món ăn đặc sản và mua sắm.

Phú Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm kinh tế - thương mại - khoa học - công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới.

Gành Dầu, điểm đến vẫn còn khá hoang sơ ở phía bắc huyện đảo Phú Quốc.

Đến với Phú Quốc, bên cạnh việc hưởng thụ không khí trong lành, thanh bình với những bãi biển hoang sơ, du khách dễ cảm nhận sự phồn thịnh và hồn hậu của đất và người đảo ngọc khi rong ruổi trên những con đường bê tông rộng rãi qua hình ảnh các bác xe ôm tận tình chỉ đường cho du khách. Và nếu muốn mượn xe người quen trên “Đảo Ngọc”, bạn phải nói rõ là mượn xe máy hay ô tô.
Bài và ảnh: Nhu Giang
Phú Quốc phát triển du lịch biển
Phú Quốc phát triển du lịch biển

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển du lịch biển, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN