Sóng gió bủa vây
Rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) trong điều kiện thời tiết được dự báo sẽ có nhiều biến động bất thường, chỉ sau 30 phút, tàu đã gặp sóng to. Trong hải trình 16 ngày trên biển, chỉ có gần 2 ngày là thời tiết thuận lợi. Còn lại là những ngày biển động, sóng cao từ 3 - 5m, thử thách các cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561.
Con tàu có tải trọng gần 2.070 tấn lắc lư vượt sóng. Có những lúc tàu nghiêng đến 30 độ, tiếng sóng đập vào mũi tàu ầm ầm. Sóng dội từng đợt đùng đùng vào mạn tàu. Tàu chao nghiêng, rồi như ngả qua bên trái, chưa hết cơn lại bật về bên phải, rồi chồm lên trên, rồi dội phải con sóng đập giật ngược. Tàu lắc ngang rồi lắc dọc, đồ đạc trong phòng cứ tự động dịch chuyển không theo một trật tự nào.
Trong các phòng trên tàu, toàn bộ các đồ dùng đều được hạ thấp độ cao. Đồ dùng phía bên dưới thì được chằng buộc bằng dây thừng hoặc chèn bằng các bao gạo. Phía hành lang là dãy bình nước 5 lít được buộc dọc, liên kết vào nhau để hạ thấp trọng tâm tàu góp phần hạn chế việc rung lắc. Trong bếp, kệ, chạn, nồi đều được chằng buộc cẩn thận.
Cứ như thế, sau gần hai ngày sóng gió, tàu 561 đưa đoàn công tác cập cảng Trường Sa trong niềm vui mừng của cả những người trên tàu lẫn quân và dân trên đảo. Lúc này, đoàn công tác mới tạm thở phào.
Thế nhưng, thiên nhiên thật biết thử thách lòng người. Rời đảo Trường Sa, trời đổ cơn mưa lớn, sóng to, gió giật. Tàu 561 vẫn âm thầm lao đi, đưa chúng tôi đến các đảo tiếp theo như An Bang, Đá Đông, Trường Sa Đông. Sóng gió, mưa lớn luôn bủa vây lấy con tàu. Không thể tin được rằng, khi gặp gió cấp 7, cấp 8, sóng biển cao lừng lững, con tàu như tòa nhà 5 tầng lại chỉ như chiếc lá nhỏ dập dềnh giữa mênh mông nước. Còn chúng tôi, những con người ra biển lần đầu đều “ngây ngất” chìm trong cơn say sóng. Không chỉ phụ nữ mà cả cánh nam giới to con, khỏe mạnh cũng không thể nuốt nổi cơm mặc dù bụng đói cồn cào.
Những mệnh lệnh từ trái tim
Quan sát sóng và hướng đi của con tàu trên màn hình ở đài chỉ huy, Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng tàu 561 lặng lẽ tính toán, thận trọng đánh giá tình hình để đưa ra các quyết định phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, trong đó, yếu tố an toàn cho đoàn công tác được đặt lên hàng đầu. Mặc dù khá căng thẳng, song trên gương mặt người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm vẫn toát lên sự điềm tĩnh ổn định.
“Không có phép thử nào ở đây, an toàn cho tất cả mọi người là trên hết”, Thuyền trưởng Phạm Văn An nói chắc như đinh đóng cột. Nhìn ánh mắt của Đại úy, tôi tin những lời anh nói.
Cùng tham gia chỉ huy trong hải trình, Thiếu tá Nguyễn Việt Hà, Hải đội trưởng Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, khi nhận nhiệm vụ, anh đã cùng tập thể chỉ huy của tàu 561 nghiên cứu chuyến đi, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trên tàu. Xác định đây là một trong những chuyến đi khó khăn với điều kiện thời tiết phức tạp nên các cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561 luôn mang hết cái tâm cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với đồng chí Trưởng đoàn công tác để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi người.
“Đưa đón các đoàn công tác vốn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của tàu 561, song không vì thế mà anh em lơ là, chủ quan, nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp, dự báo từ trước sẽ sóng gió từ ngày đầu đến ngày cuối. Chúng tôi phải tính toán sóng gió, thủy triều, rồi khi sóng lớn, vị trí neo tại các đảo lại khó khăn. Để đảm bảo an toàn, đảm bảo thời gian, chúng tôi đã quyết định sử dụng phương pháp thả trôi để đưa đón đoàn công tác lên đảo làm việc”, Thiếu tá Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Trong chuyến đi này, để đạt được tối đa hiệu quả của chuyến công tác, nhiều quyết định mang tính cân não đã phải đưa ra. Trong hải trình sóng gió, có những lúc tôi bắt gặp hình ảnh Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn Trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 - Trưởng đoàn công tác đứng trầm ngâm trước biển. Ánh mắt đăm chiêu, gương mặt người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm sạm đi. Vốn kiệm lời nên mãi sau này anh mới nói cho tôi biết, lúc ấy, anh chỉ nghĩ làm sao để vừa hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, vừa đảm bảo an toàn cho tàu, cho các thành viên trong đoàn công tác. Có lẽ, với anh, những quyết định đưa ra không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của người chỉ huy - người chịu trách nhiệm cao nhất trong hải trình đầy sóng gió này.
Điểm tựa, điềm lành giữa biển khơi
Hạ thủy ngày 26/4/2012, Tàu 561 mang tên Khánh Hòa-01 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân không chỉ ghi dấu bước trưởng thành bằng việc khám bệnh, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, trở thành điểm tựa cho ngư dân đang ngày đêm khai thác trên ngư trường Trường Sa mà còn bằng những hải trình đầy sóng gió.
Là niềm tự hào của Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, Tàu 561 là tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á do chính Việt Nam thiết kế, chế tạo. Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như một bệnh viện tuyến huyện với phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa… với gần 20 giường bệnh.
Đặc biệt, trên tàu còn có buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn biển bị nghẽn oxy. Tàu cũng có phòng siêu âm trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561 cho biết, nhiều năm qua, tàu 561 đã cấp cứu, hỗ trợ rất nhiều ngư dân đánh cá trên biển gặp nạn. Chuyện vượt sóng to, gió lớn trên biển để cứu ngư dân gặp nạn trong khi hành nghề nhiều không kể hết. Rồi cả những hải trình dài trên biển gặp thời tiết bất lợi, cán bộ, chiến sĩ trên tàu không nấu nổi bát cơm để ăn nhưng vẫn quyết tâm xuyên bão gió, đạp sóng để đến với ngư dân.
Gắn bó với tàu 561 từ những ngày đầu tiên con tàu này được biên chế vào lực lượng Hải quân, Thiếu tá Trần Văn Ngọc, phụ trách Quân y tàu chia sẻ, cuộc sống của anh và đồng đội gắn liền với con tàu và biển đảo. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu thì bằng bất cứ giá nào, tàu 561 cũng sẽ đến với các ngư dân, đưa ngư dân lên tàu cấp cứu, đảm bảo an toàn tính mạng.
“Nhiều ngư dân được chúng tôi cứu chữa đều bảo, khi gặp nạn giữa trùng khơi, nhìn thấy tàu 561 với hình ảnh chữ thập đỏ nổi lên trên thân tàu màu trắng là một điềm lành, bởi tàu không chỉ khám chữa bệnh mà còn cấp nước ngọt, thực phẩm miễn phí cho ngư dân”, Thiếu tá Trần Văn Ngọc cho biết.
Hơn 10 năm qua, tàu 561 đã khám bệnh, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tại huyện đảo Trường Sa. Ngoài việc cứu chữa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, tàu 561 còn đảm đương nhiều nhiệm vụ khác như: Tổ chức thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; phục vụ các chuyến chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa; tham gia các đợt diễn tập quốc tế...
Đối với bất cứ nhiệm vụ nào, các cán bộ, chiến sĩ tàu 561 cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản làm giàu cho quê hương.