Theo TS Phùng Minh Lai, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia:
- Biển Đông là cửa ngõ thông ra thế giới, là “mặt tiền”, là nhân tố đảm bảo lợi thế địa - chiến lược trọng yếu của nước ta, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Biển Đông nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới, thông thương giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với các nước Đông Nam á và Đông Bắc á. Biển Đông là con đường biển nhộn nhịp vào loại thứ 2 trên thế giới, trung bình mỗi ngày có 250 - 300 tàu biển qua lại Biển Đông.
Vùng biển Việt Nam có lợi thế là nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malasca và Singapore, là một trong những tuyến có số tàu qua lại nhiều nhất trên thế giới. Mặt khác, bờ biển nước ta rất gần các tuyến hàng hải nên thuận lợi trong việc phát triển thương mại quốc tế. Căn cứ vào Công ước quốc tế và Luật Biển năm 1982, Nhà nước ta đã công bố đường cơ sở để từ đó tính lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.
Theo đó, diện tích vùng biển Việt Nam bao gồm: Nội thủy, lãnh hải 226.000 km2 và vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2. Có thể nhận thấy rằng, vùng biển và dải ven biển nước ta có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Vì vậy, Đảng và nhà nước ta đã có những chủ trương, nghị quyết quan trọng về biển và dải ven biển: Ngày 5/6/1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 03-NQ/TW đề cập đến việc phát triển kinh tế biển, trong đó nêu rõ: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta cùng với bối cảnh phức tạp trong khu vực vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển”; Chỉ thị 20-CT/ TW ngày 22/9/1997 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Vùng biển, hải đảo và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sống; có nhiều lợi thế phát triển và là cửa ngõ lớn của nước ta để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài”.