Kiên Giang: Xã đảo thiếu tàu

Chưa bao giờ người dân ở các xã đảo huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) phải lo lắng như hiện nay vì việc đi lại quá khó khăn do thiếu tàu khách phục vụ.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, toàn huyện hiện có 23 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo có dân sinh sống và địa giới hành chính được chia thành 4 xã, điều kiện đi lại của bà con chủ yếu bằng đường biển. Trước đây, vì lý do chính đáng là những đợt mưa to, gió lớn không có tàu khách chạy là đương nhiên, nhưng từ trước Tết Nguyên đán 2015 đến nay, tình trạng thiếu tàu phục vụ đi lại của người dân từ đất liền ra các đảo gặp rất nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, tình trạng thiếu tàu từ đất liền ra các đảo diễn ra thường xuyên nên việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn.



Theo ông Huỳnh Thanh Bình, hiện toàn huyện có 7 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách đi các đảo. Tại xã đảo Hòn Tre (trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải) đi vào Rạch Giá thì hàng ngày có 4 lượt tàu cao tốc đi về nên không có trở ngại gì trong việc đi lại. Quan ngại nhất là từ các xã đảo Nam Du, An Sơn, Lại Sơn vào đất liền và các xã đảo với nhau.

Tại xã Lại Sơn có hai phương tiện vận tải hành khách vào thành phố Rạch Giá và ngược lại mỗi ngày, nhưng đi qua Hòn Tre thì không ghé lại. Tại xã An Sơn, Nam Du chỉ có một phương tiện vận chuyển hành khách là tàu cao tốc Ngọc Thành, với 166 ghế nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hành khách từ 4 xã đảo vào đất liền và ngược lại (thường một chuyến tàu đi cắt ngang các xã đảo vừa đón khách, vừa vận chuyển hàng hóa). Tuy nhiên, ngoài lượng khách là ngư dân các xã đảo, hàng ngày còn có cán bộ xã, huyện, tỉnh đi lại công tác. Hơn hết, gần một năm trở lại đây, lượng khách du lịch bắt đầu tìm đến hai xã An Sơn, Nam Du du lịch càng nhiều làm cho tình hình vận chuyển hành khách càng gặp khó khăn hơn.

Theo ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Nam Du, do các hòn đảo nằm trong quần đảo Nam Du còn hoang sơ, phong cảnh hữu tình nên gần một năm nay, nhất là các ngày lễ, Tết, lượng khách ở đất liền ra đảo tham quan du lịch khá đông. Ngoài việc người dân địa phương lúng túng trong kinh doanh du lịch do chưa có kinh nghiệm, còn phải đau đầu với việc sắp xếp, bố trí cho hành khách đi lại được thuận tiện. Ngoài tàu tốc hành Ngọc Thành, ở hai xã đảo Nam Du, An Sơn còn có hai tàu vận chuyển hàng hóa và hải sản vào đất liền hàng ngày và ngược lại.

Nhiều người dân ở hai xã đảo Nam Du, An Sơn có chung bức xúc: Hai xã đảo chỉ có một chuyến tàu mỗi ngày, lượng du khách ngày càng đông nên vé tàu phục vụ nhân dân của đảo không đáp ứng được nhu cầu (do du khách ở xa thường đặt vé trước). Cũng vì vậy, mấy tháng nay, người dân ở hai xã Nam Du, An Sơn đi vào thành phố Rạch Giá hoặc đến huyện Kiên Hải làm thủ tục hành chính khi không mua được vé tàu, người dân buộc đi tàu tải, tàu hàng, không đảm bảo an toàn. Không chỉ thế, người dân ở hai xã đảo này đi vào thành phố Rạch Giá phải quá giang tàu hàng vào; đi công việc ở Hòn Tre phải vào Rạch Giá rồi đi tàu cao tốc ngược lại Hòn Tre. Từ Hòn Tre muốn đi Nam Du thì đi tàu cao tốc ngược vào Rạch Giá, sau đó đi nhờ tàu hàng về xã rất vất vả.

Với những khó khăn trong việc vận chuyển hành khách đi lại các xã đảo như hiện nay, theo ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, trước mắt huyện sẽ kiến nghị về Sở Giao thông – Vận tải, UBND tỉnh Kiên Giang để xem xét điều thêm tàu phục vụ cho người dân tuyến này. Còn về lâu về dài thì kêu gọi các doanh nghiệp vận tải hành khách đầu tư tàu cao tốc phục vụ cho người dân, nhất là khách du lịch ngày càng đông để đáp ứng lượng khách đến tham quan du lịch trên các xã đảo.
Lê Sen
Đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn
Đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn

Sáng ngày 17/1, tại xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức khánh thành dự án đưa điện lưới Quốc gia ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN